Mỹ - Trung tiến gần thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thuế
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, giúp rút lại các đòn thuế nhằm vào mỗi bên nhưng có thể không tạo ra nhiều thay đổi căn bản đối với cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc như Mỹ mong muốn từ ban đầu.
200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ thuế?
Tờ New York Times ngày 4-3 dẫn các nguồn tin cho biết, mặc dù các chi tiết của thỏa thuận Mỹ - Trung chưa được dàn xếp xong nhưng hai nước đã đồng ý về cơ bản cho một thỏa thuận, trong đó Bắc Kinh cam kết mua một lượng lớn hàng hóa nông nghiệp và năng lượng Mỹ đồng thời giảm bớt một số rào chắn thương mại ngăn chặn các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.
Đổi lại Mỹ có thể sẽ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp áp thuế phạt đối với ít nhất 200 tỉ đô la trong tổng 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang bị áp thuế mỗi năm.
Trước đó một ngày, tờ Wall Street Journal cũng dẫn lời các nguồn tin cho biết dù các vướng mắc vẫn còn nhưng các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đã tiến triển đến mức một thỏa thuận chính thức có thể được ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra vào ngày 27-3 tại bang Florida (Mỹ).
Theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết tạo một sân chơi công bằng cho các công ty nước ngoài bao gồm đẩy nhanh tiến độ loại bỏ trần sở hữu nước ngoài ở các liên doanh ô tô với các đối tác Trung Quốc, giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô nước ngoài. Bắc Kinh cũng cam kết tăng mua hàng hóa nông sản và năng lượng Mỹ, bao gồm kế hoạch mua 18 tỉ đô la khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ công ty năng lượng Cheniere Energy (Mỹ).
Hai bên vẫn tiếp tục đàm phán về các vấn đề liên quan đến chính sách công nghiệp của Trung Quốc mà Mỹ cho rằng đang ưu ái cho các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty nhà nước. Tuần trước, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, các điều khoản liên quan đến bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ chiếm tổng cộng 30 trang trong tổng số hơn 100 trang của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Các nhà đàm phán hai bên cũng đang thảo luận kế hoạch thành lập một cơ chế để giải quyết khiếu nại của các công ty Mỹ, trong đó kêu gọi tiến hành các cuộc họp song phương của quan chức hai nước để phân xử các tranh chấp. Ông Lighthizer nói nếu các cuộc thảo luận này không có kết quả, Mỹ có thể tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Mỹ đang thúc ép Bắc Kinh không được trả đũa trong một số trường hợp nhất định nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt các công ty Trung Quốc nhưng đó sẽ là một sự nhượng bộ lớn mà nhà đàm phán Bắc Kinh cảm thấy khó chấp nhận.
Mỹ có thể giữ lại một số biện pháp thuế
Các chi tiết ban đầu cho thấy thỏa thuận Mỹ - Trung sẽ không giúp tạo ra thay đổi đáng kể cách mà Trung Quốc thực hành kinh doanh và cũng không buộc Bắc Kinh chấm dứt triệt để tình trạng ăn cắp các bí mật thương mại qua mạng hay các chương trình trợ cấp dành cho các công ty Trung Quốc.
New York Times dẫn một nguồn tin cho biết các nội dung của thỏa thuận liên quan đến chấm dứt phân biệt đối xử các công ty nước ngoài chẳng hạn như luật chống độc quyền quá mờ nhạt, khó có thể thực thi; trong khi đó, các cam kết hạn chế các chương trình trợ cấp lại có nội dung quá chung chung.
Song David Loevinger, cựu chuyên viên điều phối các vấn đề Trung Quốc thuộc Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Obama cho rằng đã đến lúc hai bên chấm dứt cuộc chiến thuế. Ông nói: “Rõ ràng chúng ta đã lên đến đỉnh điểm của cuộc chiến thuế. Vấn đề là hai bên sẽ rút lại các biện pháp áp thuế ở mức độ nào. Tôi cho rằng có thể sẽ không quá nhiều”.
Trong một báo cáo công bố hôm 4-3, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một dạng thỏa thuận thương mại nào đó tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung vào cuối tháng này nhưng một số biện pháp áp thuế có thể sẽ được giữ lại.
“Giả định cơ bản của chúng tôi là sẽ có một thỏa thuận với một số biện pháp áp thuế của Mỹ vẫn giữ nguyên và có thể được dỡ bỏ dần qua từng giai đoạn khi các cam kết của Trung Quốc được thực hiện. Dù vậy, chúng tôi dự báo một số biện pháp áp thuế của Mỹ vẫn duy trì đến sang năm 2020”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.
Trung Quốc sẽ không chấp nhận nhượng bộ lớn
Tờ South China Morning Post cho biết ông Tập đang có kế hoạch sang thăm Ý và Pháp trước khi sang khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida để gặp ông Trump vào cuối tháng 3 này.
Việc ông Tập sang khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida sau chuyến thăm châu Âu là cách để giảm bớt đi cảm nhận ông đang trực tiếp đi từ Trung Quốc sang “lãnh địa” của ông Trump để đưa ra các nhượng bộ.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ đưa ra một số nhượng bộ trong thỏa thuận thương mại để giúp ổn định mối quan hệ với Mỹ nhưng ít có khả năng chấp nhận các yêu cầu làm thay đổi mô hình kinh tế đất nước.
Yang Guangpu, học giả ở Trung tâm Nghiên cứu phát triển, một tổ chức tư vấn thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc sẽ tiến hành các cải cách dần dần ở các công ty nhà nước theo trình tự và không thay đổi tốc độ cải cách này bất chấp các căng thẳng thương mại với Mỹ.
Tu Xinquan, chuyên gia thương mại ở Đại học Kinh tế và kinh doanh quốc tế ở Bắc Kinh, nhận định ông Tập khó chấp nhận các yêu cầu của Mỹ đòi cải tổ vai trò các công ty nhà nước và các chính sách công nghiệp cốt lõi khác. Chuyên gia này cho biết ông Tập sẵn sàng đưa ra các cam kết có sức tác động chính trị rõ ràng đối với ông Trump, chẳng hạn tăng mua hàng hóa Mỹ và cải thiện các thực hành bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ.
“Chúng tôi sợ cuộc xung đột thương mại này sẽ lan ra các lĩnh vực khác, thậm chí ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây nên chúng tôi muốn kiểm soát nó”, Tu Xinquan cho biết.
Zhang Huanbo, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế (CCIEE) ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc sẽ không xóa bỏ các chương trình trợ cấp nhưng sẽ chấn chỉnh một số chương trình trợ cấp bóp méo thị trường để phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Nhân dân, Bắc Kinh nói: “Nếu Trung Quốc nhượng bộ Mỹ quá nhiều, điều này có thể dẫn đến rối loạn kinh tế trong nước”.
Một ẩn số trong cuộc đàm phán Mỹ - Trung là tác động của hội nghị thượng định không đạt kết quả giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội. Các quan chức Mỹ nói rằng họ hy vọng ông Tập rút ra được từ sự kiện đó rằng, ông Trump có thể bác bỏ các đề xuất mà ông cho là chưa đầy đủ. Song họ cũng cho rằng, Bắc Kinh có thể rút ra bài học ngược lại với mong đợi của họ, rằng ông Trump đang khao khát đạt được một thỏa thuận.
“Việc ông Trump không đạt được một thỏa thuận (giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên) ở Việt Nam đang làm gia tăng sức ép ông phải đạt được thỏa thuận với Trung Quốc”, Fred Bergsten, người sáng lập Viện Kinh tế quốc tế (IIE) có trụ sở ở Washington, nói.
Chánh Tài