Mỹ tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ, các thị trường chứng khoán bị bán tháo

Hôm 5-8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ để phản ứng động thái của Nhân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc) cho phép tỷ giá nhân dân tệ (NDT) so với đô la Mỹ suy yếu vượt qua ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ.

 Hôm 5-8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters

Hôm 5-8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters

Lý giải về quyết định trên, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp cụ thể trong những ngày gần đây để giảm giá NDT nhằm giành lợi thế cạnh tranh bất công trong thương mại quốc tế. Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại bỏ ưu thế cạnh tranh bất công được tạo ra bởi các động thái điều hành tỷ giá mới nhất của Trung Quốc.

Quyết định của Bộ Tài chính được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter, cáo buộc Bắc Kinh phá giá NDT. Ông cho rằng Trung Quốc từng can thiệp giảm giá NTD để “đánh cắp hoạt động kinh doanh và nhà máy của chúng ta, gây tổn hại cho việc làm của chúng ta, làm giảm lương của công nhân của chúng ta, gây thiệt hại cho giá bán nông sản của nông dân chúng ta. Không thể chấp nhận điều này được nữa”.

PBoC đã cho phép tỷ giá NDT vượt qua ngưỡng 7:1 lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ hôm 5-8. Động thái này được nhìn nhận như là hành động trả đũa của Trung Quốc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp đặt vòng thuế mới 10% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1-9 tới.

Sáng 6-8, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức 6,9683 NDT ăn 1 đô la Mỹ. Mức tỷ giá này mạnh hơn mức dự báo của giới phân tích nhưng vẫn giảm so với mức 6,9225 NDT ăn 1 đô la mà PBoC ấn định hôm trước đó.

Lúc 11 giờ trưa nay, 6-9, tỷ giá NDT tại Trung Quốc, vốn được kiểm soát trong biên độ giao động tăng giảm tối đa 2% so với mức tham chiếu, giảm 0,1% về mức 7,0569 NDT ăn 1 đô la, trong khi đó tỷ giá NDT ở thị trường nước ngoài tăng 0,1% lên mức 7,0897 ăn 1 đô la.

Mỹ chưa liệt bất kỳ nước nào vào diện thao túng tiền tệ kể từ khi Trung Quốc bị dán nhãn này vào đầu thập niên 1990 dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Trong hai năm qua, Bộ Tài chính Mỹ đã nhiều lần từ chối xem Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ dù trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016, ông Trump cam kết sẽ làm như vậy nếu đắc cử.

Thay vào đó, Bộ Tài chính Mỹ vẫn duy trì Trung Quốc trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Các tổng thống Mỹ thường sử dụng một báo cáo danh sách giám sát thao túng tiền tệ do Bộ Tài chính Mỹ công bố hai năm một lần như là một công cụ ngoại giao để cảnh báo và gây sức ép đối với những nước bị nghi ngờ sử dụng công cụ tỷ giá để gây tổn thương cho việc làm và tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ hồi cuối tháng 5 bày tỏ các lo ngại nghiêm trọng về việc đồng NDT giảm giá mạnh so với đồng đô la đồng thời kêu gọi Trung Quốc tiến hành các biện pháp để “tránh làm suy yếu NDT dai dẳng”.

Tuy nhiên, trong thông báo hôm 5-8, Bộ Tài chính Mỹ cho biết PBoC đã gián tiếp thừa nhận “có kinh nghiệm sâu về việc thao túng NDT và sẵn sàng tiếp tục làm như vậy” thông qua tuyên bố của PBoC nói rằng “đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và các công cụ chính sách; và sẽ tiếp tục đổi mới, làm phong phú các công cụ kiểm soát, tiến hành các biện pháp có trọng điểm để chống lại hành vi phản ứng quá mức có thể xuất hiện trên thị trường ngoại hối”.

Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc giảm giá NDT trong năm qua để bù đắp các tác động từ các biện pháp áp thuế của Mỹ lên hàng trăm triệu đô la hàng hóa Trung Quốc.

Michael Hirson, chuyên gia ở tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cựu tùy viên tài chính của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh, cho rằng động thái gọi Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" giữa lúc hai nước đang trả đũa thương mại lẫn nhau, thay vì đợi đến kỳ báo cáo hai năm sau đó, cho thấy đây là quyết định mang động cơ chính trị.

Hirson nhận định việc dán nhãn "thao túng tiền tệ" đối với Trung Quốc không nhất thiết dẫn đến các biện pháp trừng phạt ngay lập tức. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các thị trường xem xung đột trong lĩnh vực tiền tệ ẩn chứa các rủi ro lớn. Một khi Trung Quốc bị xem là nước thao túng tiền tệ, phe cứng rắn ở Mỹ có thể gia tăng áp lực để buộc Nhà Trắng hành động và có thể dẫn đến các biện pháp áp thuế đối kháng nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

“Chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc tạo cho Mỹ có lý do chính đáng để triển khai thêm các hành động cứng rắn hơn. Các thị trường giờ đây đang được định giá dựa vào nguy cơ Mỹ không chỉ áp thuế 10% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc mà con số này có thể tăng lên 25%”, Norihiro Fujito, nhà chiến lược đầu tư cấp cao ở công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nói

Sáng nay, các thị trường chứng khoán ở châu Á chìm ngập trong sắc đỏ trước động thái mới của Bộ Tài chính Mỹ.
Tính đến trưa nay, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 2,43%, trong khi đó, các chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản), Kospi (Hàn Quốc), Hangseng (Hồng Kông) lần lượt giảm 0,8%, 0,35% và 0,71%.

“Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác vẫn chưa đóng hết các vị thế nắm giữ cổ phiếu của họ. Có khả năng một đợt bán tháo cổ phiếu khác sẽ diễn ra”, Masanori Takada, nhà chiến lược ở công ty chứng khoán Nomura Securities, nhận định.

Giới đầu tư đang rút tiền ra khỏi các thị trường chứng khoán để đầu tư vào các tài sản an toàn bao gồm trái phiếu, vàng và các đồng tiền mạnh như đồng yen Nhật và đồng Franc Thụy Sĩ (CHF). Sáng nay, đồng yen đã có lúc chạm mức giá cao nhất trong bảy tháng qua 105,5 yen ăn 1 đô la. Trong khi đó, CHF đang ở mức cao nhất trong sáu tuần qua 0,97 CHF ăn một đô la Mỹ. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế cũng tiến lên mức 1.474,8 đô la/ounce, mức cao nhất trong 6 năm qua.

Theo SCMP, CNN, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292417/my-tuyen-bo-trung-quoc-thao-tung-tien-te-cac-thi-truong-chung-khoan-bi-ban-thao.html