Mỹ và Đài Loan hội đàm thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn mặc ông Tập Cận Bình đe dọa
Mỹ và Đài Loan sẽ thực hiện cuộc đối thoại chính thức vào ngày 22.11 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thông tin này hôm 19.11, làm dấy lên phản ứng giận dữ từ Trung Quốc.
Được coi là “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Mỹ-Đài Loan” lần thứ hai, cuộc họp là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden dự định tiếp tục phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tăng cao. Phái đoàn Mỹ sẽ do Jose W Fernandez, Thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, dẫn đầu.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: “Quan hệ đối tác của chúng tôi được xây dựng dựa trên thương mại và đầu tư hai chiều, quan hệ giữa người với người để bảo vệ chung quyền tự do và các giá trị dân chủ được chia sẻ”.
Tại cuộc đối thoại đầu tiên, được tổ chức một năm trước trong những tháng cuối cùng của chính quyền Donald Trump, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ 5 năm và cam kết tiếp tục củng cố quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn. Song vào thời điểm đó, không rõ Tổng thống đắc cử Biden có tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Đài Loan hay không.
Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Biden đã công bố một chính sách mới để khuyến khích sự tham gia giữa các quan chức chính quyền Mỹ và Đài Loan, một động thái được thực hiện nhằm đưa Mỹ tuân thủ Đạo luật Đảm bảo Đài Loan năm 2020, trong đó tuyên bố rằng tình trạng mối quan hệ này nên được xây dựng với mục đích để làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ Mỹ-Đài Loan.
Thông báo về cuộc đối thoại hôm 22.11 được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 16.11 của Tổng thống Biden với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, cuộc gặp được chờ đợi từ lâu mà hai nhà lãnh đạo đã tổ chức để giải quyết căng thẳng leo thang trên nhiều mặt trận, trong đó Đài Loan nổi lên là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất.
“Đài Loan sẽ vẫn là một điểm nhấn quan trọng vì Biden - với sự ủng hộ và áp lực mạnh mẽ từ cả hai đảng - sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quân sự và công nghệ với Đài Bắc”, Michael Hirson, người đứng đầu Tập đoàn Eurasia Group ở khu vực châu Á và là cựu tùy viên tài chính Mỹ tại Trung Quốc, cho biết trong một nghiên cứu được công bố hôm 19.11, ngay trước thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Michael Hirson cũng nói ông Biden sẽ tiếp tục “quốc tế hóa vấn đề bằng cách khuyến khích các đồng minh như Nhật Bản và các nước NATO tăng cường hỗ trợ ngoại giao cho Đài Loan, khẳng định nhu cầu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.
Ông Biden gặp Tận Cận Bình hôm 16.11
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói với Tổng thống Biden rằng chính quyền Đài Loan đang cố gắng “dựa vào Mỹ để giành độc lập”, trong khi những người khác ở Mỹ có ý định “sử dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc”.
“Những động tác như vậy cực kỳ nguy hiểm, chẳng khác nào đùa với lửa. Ai chơi với lửa sẽ bị bỏng”, ông Tập Cận Bình tuyên bố.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan cho biết sau hội nghị thượng đỉnh rằng “hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian cho vấn đề Đài Loan và Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết của ông với chính sách một Trung Quốc, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, 3 thông cáo chung và 6 đảm bảo ”.
Thông cáo chung là các thỏa thuận giữa Mỹ với Trung Quốc chính thức hóa sự chuyển đổi ngoại giao và cho phép “quan hệ văn hóa, thương mại và các mối quan hệ không chính thức khác” giữa Mỹ và Đài Loan. “6 đảm bảo” đề cập đến những cam kết mà Mỹ đã đưa ra với Đài Loan vào năm 1982 để coi thường sự phản đối của Trung Quốc với việc Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này.
Đạo luật Quan hệ Đài Loan được Tổng thống Jimmy Carter ký ngay sau khi Mỹ chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979 và ủy quyền cho chính phủ Mỹ hỗ trợ khả năng phòng thủ của Đài Loan.
Trung Quốc coi hòn đảo tự trị là lãnh thổ của riêng mình, sẽ kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết và phản đối mạnh mẽ bất kỳ hình thức liên lạc chính thức nào với chính quyền Đài Loan.
Theo trang SCMP, Tổng thống Biden cho biết trong cuộc gặp trực tuyến với ông Tập Cận Bình rằng chính phủ Mỹ cam kết với chính sách Một Trung Quốc lâu đời và "không ủng hộ Đài Loan độc lập”.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã cáo buộc cuộc hội đàm Mỹ - Đài sắp tới là vi phạm cam kết của ông Biden.
“Tổng thống Biden đã nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập rằng chính phủ Mỹ cam kết với chính sách Một Trung Quốc lâu đời và không ủng hộ Đài Loan độc lập”, Liu Pengyu nói.
Ông kêu gọi chính phủ Mỹ “ngừng mọi hình thức trao đổi và tiếp xúc chính thức với Đài Loan, ngừng nâng tầm quan hệ với khu vực Đài Loan theo bất kỳ cách nào về thực chất, để tránh thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên toàn eo biển Đài Loan”.
Tại cuộc đối thoại năm ngoái, Mỹ - Đài Loan đã thảo luận về sức khỏe toàn cầu, chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng 5G, lĩnh vực năng lượng và an ninh chuỗi cung ứng, trong số các vấn đề khác.
Hôm 19.11, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc họp được tổ chức "để thúc đẩy hợp tác trong một loạt các vấn đề kinh tế và củng cố mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Mỹ với Đài Loan".
Bộ Ngoại giao Mỹ nói cuộc họp hôm 22.11 đang được tiến hành dưới sự bảo trợ của các đại sứ quán trên thực tế của Washington và Đài Bắc - Viện Mỹ tại Đài Loan, Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc.