Mỹ và Houthi tiếp tục giao tranh ở Biển Đỏ, thương mại quốc tế ngày càng căng thẳng

Quân đội Mỹ đã thực hiện các cuộc tấn công mới vào thứ Ba nhằm vào các tên lửa đạn đạo chống hạm ở khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen. Trong khi đó, Houthi tiếp tục tấn công tên lửa ở Biển Đỏ, khi bắn trúng một tàu hàng thuộc sở hữu của Hy Lạp.

Nhà Trắng cho biết các cuộc tấn công mới của Mỹ vào thứ Ba đã phá hủy các tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi ở Yemen. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói rằng: "Chúng tôi không muốn mở rộng vấn đề này. Houthi có quyền lựa chọn và họ vẫn còn thời gian để đưa ra lựa chọn đúng đắn, đó là dừng lại những cuộc tấn công liều lĩnh".

 Tàu Zografia của Hy Lạp đã bị trúng tên lửa của Houthi khi đang di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh: Keeptalkinggreece

Tàu Zografia của Hy Lạp đã bị trúng tên lửa của Houthi khi đang di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh: Keeptalkinggreece

Tuy nhiên, Houthi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại các cuộc tấn công ở Biển Đỏ. Bộ Vận tải Hy Lạp cho biết, một tàu chở hàng rời thuộc sở hữu của Hy Lạp mang cờ Malta đã bị trúng tên lửa khi đang di chuyển về hướng bắc ở Biển Đỏ, cách cảng Saleef của Yemen 76 hải lý về phía tây bắc.

Người phát ngôn quân sự của Houthi, Yahya Sarea, cho biết lực lượng chiến binh ở Yemen này đã thực hiện cuộc tấn công vào tàu Zografia bằng tên lửa hải quân, dẫn đến một "cú đánh trực tiếp".

Một nguồn tin Hy Lạp cho biết tàu Zografia đang đi từ Việt Nam đến Israel với 24 thủy thủ đoàn và không có hàng hóa khi bị tấn công. Nguồn tin cho biết thêm: “Không có thương tích, chỉ có thiệt hại về vật chất”. Nó vẫn đang di chuyển nhưng có thể sẽ định tuyến lại để kiểm tra an toàn.

Chiến sự ở Biển Đỏ đang gây ra những thiệt hại lớn về thương mại và sản xuất trên toàn cầu do sự gián đoạn ở tuyến đường vận chuyển rất quan trọng này. Một số chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos nói rằng họ lo ngại cuộc khủng hoảng còn có thể gây ra lạm phát.

Giám đốc tài chính của DP World Yuvraj Narayan cho biết ông dự đoán hàng nhập khẩu từ châu Âu sẽ bị gián đoạn. Narayan nói tại cuộc họp thường niên của WEF ở Davos, khu nghỉ mát trượt tuyết của Thụy Sĩ: “Chi phí hàng hóa từ châu Á vào châu Âu sẽ cao hơn đáng kể”.

Tại Tây Ban Nha, bốn nhà máy thuộc sở hữu của nhà sản xuất lốp xe Pháp Michelin đang có kế hoạch tạm dừng sản xuất vào cuối tuần này, một dấu hiệu nữa về tác động của sự chậm trễ trong việc cung cấp nguyên liệu thô.

Nhấn mạnh mối lo ngại, nhà khai thác vận tải Nhật Bản Nippon Yusen cho biết rằng họ đã chỉ đạo các tàu của họ di chuyển gần Biển Đỏ chờ ở vùng biển an toàn và đang xem xét thay đổi tuyến đường.

 Chiến sự ở Biển Đỏ khiến phần lớn các tàu chở hàng buộc phải dừng lại hoặc di chuyển qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, qua đó gây ra sự chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển thương mại trên toàn cầu. Ảnh đồ họa: Reuters

Chiến sự ở Biển Đỏ khiến phần lớn các tàu chở hàng buộc phải dừng lại hoặc di chuyển qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, qua đó gây ra sự chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển thương mại trên toàn cầu. Ảnh đồ họa: Reuters

Phần lớn các tàu container đã tạm dừng hoặc chuyển hướng từ Biển Đỏ để đến Kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển hàng hóa nhanh nhất từ châu Á đến châu Âu. Thay vào đó, nhiều tàu đã buộc phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi.

Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi vào Kênh đào Suez qua Biển Đỏ. Tập đoàn dầu mỏ Shell của Anh đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các chuyến hàng qua Biển Đỏ sau khi các cuộc tấn công của Mỹ và Anh gây ra lo ngại chiến sự leo thang hơn nữa.

Tập đoàn tàu chở dầu Sovcomflot của Nga cũng đang xem xét các tuyến đường thay thế trong trường hợp khủng hoảng leo thang, theo hãng tin TASS cho biết.

Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, nói hôm thứ Ba rằng: “Về tình hình ở Biển Đỏ, Tổng thư ký nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên tránh bất kỳ sự leo thang nào nữa”.

Huy Hoàng (theo Reuters, WSJ, TASS)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-va-houthi-tiep-tuc-giao-tranh-o-bien-do-thuong-mai-quoc-te-ngay-cang-cang-thang-post281231.html