Mỹ và phương Tây lo ngại về sự xuất hiện của S-500 vào năm 2021

Trong vài ngày qua, những thông tin về việc tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới S-500 Prometheus của Nga sẽ được đưa vào trang bị trong năm 2021, cũng như mức giá thành rất dễ chịu của dòng vũ khí phòng không này đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới chuyên gia quân sự Mỹ và NATO.

Vũ khí tương tự như S-500 sẽ không có đối trọng ở phương Tây trong ít nhất 1 thập kỷ tới. Nó không chỉ đe dọa không gian sinh tồn chiến lược của Mỹ và NATO tại châu Âu, mà còn kế thừa và phát triển khả năng của người tiền nhiệm S-400 để đe dọa và đánh bại các dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện đại.

Vũ khí phòng thủ vũ trụ thế hệ đầu tiên

Theo các thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các thành phần của tổ hợp S-500 đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối để đưa vào trang bị trong đầu năm 2021. Trong quá trình thử nghiệm, nguyên mẫu S-500 đã khẳng định được các tính năng của dòng vũ khí phòng không-vũ trụ thế hệ mới, thậm chí là đầu tiên trên thế giới với khả năng đánh chặn các mục tiêu bay hoạt động trên tầng khí quyển ngoại vi của Trái Đất (trên 200km).

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga nhận định, xét về nhiều mặt, S-500 không còn nằm trong định nghĩa các tổ hợp vũ khí phòng không truyền thống. Nó có thể được xem như dòng vũ khí phòng thủ vũ trụ thế hệ đầu tiên và chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Tính năng chiến đấu của S-500 đủ khả năng giải quyết các bài toán phòng thủ đa năng trong ít nhất 15 năm tới.

 Quá trình phát triển S-500 đã diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với S-400.

Quá trình phát triển S-500 đã diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với S-400.

Điểm mạnh của S-500 chính là đa nhiệm. Nó vừa có khả năng phòng thủ tên lửa, lại vừa có khả năng đánh chặn các phương tiện bay có hoặc không có người lái hoạt động trong khí quyển Trái Đất. Theo lời chuyên gia Viktor Murakhovsky, S-500 có đủ khả năng ngăn chặn các thiết bị bay siêu vượt âm thế hệ mới đang được nhiều quốc gia phát triển với tầm bắn lên tới 600km, lớn hơn 50% so với người tiền nhiệm S-400; ngăn chặn các mục tiêu đạn đạo có tốc độ bay lên tới 7km/giây.

“S-500 thực tế là loại vũ khí lai giữa phòng không và phòng thủ tên lửa. Nó sẽ tiếp tục truyền thống thế mạnh của vũ khí phòng không Liên Xô và Nga trên thế giới”, nhà quan sát quân sự Alexei Leonkov đánh giá.

Sức mạnh đến từ sự kế thừa

Khả năng tác chiến mạnh mẽ của S-500 không phải tự nhiên có, mà được phát triển và kế thừa trên nền công nghệ mới từ những dòng vũ khí phòng không trước đó của Nga. Điều này có thể thấy rõ ràng qua việc S-500 sử dụng được các loại đạn tên lửa đánh chặn của tổ hợp S-400, trong đó có tên lửa tầm xa 40N6E.

Chuyên gia quân sự Victor Litovkin, người có nhiều năm theo dõi vũ khí phòng không Nga, cho biết, tên lửa 40N6E là sự bổ sung đáng quý cho S-500. Dòng tên lửa đánh chặn này được phát triển cùng với tổ hợp S-400 và khẳng định được khả năng chiến đấu ở phạm vi 400km tại bãi thử Kapustin Yar ở nhiều độ cao khác nhau. Ở tầm bắn này, 40N6E giúp S-500 đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các mục tiêu bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS), máy bay trinh sát điện tử RC-135, E-8 Joint STARS. Cùng với đó, S-500 còn sử dụng được các loại đạn tên lửa đánh chặn chuyên dụng cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, tương tự như trang bị trên tổ hợp S-300V4.

 Sự kết hợp giữa công nghệ mới và kế thừa các điểm mạnh của vũ khí phòng không cũ tạo ra sự đặc biệt của S-500.

Sự kết hợp giữa công nghệ mới và kế thừa các điểm mạnh của vũ khí phòng không cũ tạo ra sự đặc biệt của S-500.

Một điểm khác biệt khác của S-500 là công nghệ radar mới. Nếu như radar của S-400 được coi là phiên bản tăng công suất phát của nền tảng S-300 trước đó, thì S-500 sử dụng công nghệ radar mảng pha mới với công nghệ điện tử và vật liệu chế tạo hiện đại. Theo lời ông Victor Litovkin, S-500 có hệ thống điện tử và radar đủ để phát hiện mọi mục tiêu bay hiện đại và trong tương lai gần. Năng lực tác chiến của S-500 còn được mở rộng khi hoạt động trong một hệ thống hợp nhất với nhiều tổ hợp tên lửa phòng không khác như Buk, Tor, Pantsir…

“Không chỉ có năng lực hoạt động mạnh mẽ, mà khả năng hoạt động trong mạng lưới chỉ huy hợp nhất khiến S-500 không có đối thủ tương ứng ở Mỹ và phương Tây”, ông Victor Litovkin nhận định.

Nâng cấp đáng giá với chi phí thấp

Không chỉ các chuyên gia Nga, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây có chung đánh giá, S-500 là sự bổ sung đáng giá cho bất kỳ hệ thống phòng không quốc gia nào nhờ tính năng mạnh mẽ của nó. Vấn đề này càng trở nên dễ thực hiện với giá thành xuất xưởng của mỗi tổ hợp vào khoảng trên 700 triệu USD. Dù tới tận năm 2025, S-500 mới được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng với chiến lược tăng cường xuất khẩu vũ khí của Nga trong vài năm trở lại đây, tương lai của S-500 trên thị trường quốc tế rất đáng chú ý.

“S-500 không chỉ có tính năng mạnh mẽ, mà nó còn là vũ khí lõi của hệ thống phòng không hợp nhất thông qua sự kết hợp với các vũ khí phòng không khác của Liên Xô và Nga để đáp ứng với các mối nguy cơ đến từ trên không hiện tại và trong tương lai gần”, cựu lãnh đạo Bộ chỉ huy Phòng không-Không quân hợp nhất các quốc gia SNG, Trung tướng Aytech Bizhev đánh giá.

 Sự xuất hiện của S-500 sẽ tạo sức ép lớn không chỉ về tính năng, mà còn là sự phổ biến của nó đối với các dòng vũ khí cùng tính năng của Mỹ và phương Tây.

Sự xuất hiện của S-500 sẽ tạo sức ép lớn không chỉ về tính năng, mà còn là sự phổ biến của nó đối với các dòng vũ khí cùng tính năng của Mỹ và phương Tây.

 Các dòng máy bay tàng hình có thể sẽ "mất thiêng" trước S-500.

Các dòng máy bay tàng hình có thể sẽ "mất thiêng" trước S-500.

Với sự xuất hiện của S-500, giới chuyên gia quân sự Mỹ và NATO đã lo ngại về sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không này trên thế giới trong tương lai. Khả năng phòng thủ mạnh mẽ, giá thành hợp lý khiến S-500 có sức hút mạnh mẽ với không chỉ các quốc gia có truyền thống sử dụng vũ khí Liên Xô và Nga, mà thậm chí là cả các quốc gia đồng minh của Mỹ và phương Tây.

Tiền lệ Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh kể cả một thành viên NATO cũng có thể sở hữu các tổ hợp tên lửa S-400 với tính năng ưu việt hơn so với dòng vũ khí phòng không PAC-3 Patriot của Mỹ. Trong khi giá thành của mỗi tổ hợp S-400 chỉ khoảng 500 triệu USD, thì PAC-3 Patriot lên tới 1 tỷ USD, còn tổ hợp phòng thủ tên lửa THAAD lên tới 3 tỷ USD. Dù phiên bản xuất khẩu sắp tới của S-500 có thể cao hơn giá xuất xưởng, thì nó vẫn là món hời với bất kỳ quốc gia nào sở hữu và không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm đến từ Mỹ và phương Tây.

Một vấn đề khác là do tính năng phòng thủ mạnh mẽ, S-500 sẽ giống như S-400 khiến các dòng máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 hay 5+ trong tương lai gần “mất thiêng”. Lãnh đạo NATO từng đánh giá sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không S-400 trên thế giới sẽ khiến thị phần các dòng máy bay thế hệ thứ 5 như F-22 Raptor và F-35 Lightning II bị suy giảm. Điều này chắc chắn sẽ không mấy dễ chịu không chỉ với các nhà hoạch định chiến lược quân sự, mà còn là với các nhà thầu quân sự Mỹ và NATO.

Rõ ràng, S-500 sẽ sớm tiếp tục người tiền nhiệm S-400 bước ra thị trường thế giới. Nó đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và nhận được sự chú ý từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ loại vũ khí nào, S-500 cần được “thử lửa” để chứng minh khả năng.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo RIAN, Lenta)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/my-va-phuong-tay-lo-ngai-ve-su-xuat-hien-cua-s-500-vao-nam-2021-627757