Myanmar biểu tình kéo sang ngày thứ năm, bạo lực gia tăng

Những người biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục trở lại đường phố ở thủ đô Naypyidaw, cố đô Yangon và một số thành phố khác vào hôm thứ Tư (10/2), sau khi cảnh sát sử dụng súng bắn đạn cao su và vòi rồng để giải tán đám đông khiến ba người phải nhập viện một ngày trước đó.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính vẫn tiếp tục bất chấp động thái của quân đội cấm tụ tập hơn 5 người và áp đặt lệnh giới nghiêm - Ảnh: Kenji / Al Jazeera

Bài liên quan

Quân đội Myanmar nắm quyền lực ở thế yếu: Nguy hiểm và nhiều rủi ro

Cảnh sát Myanmar bắn đạn cao su giải tán cuộc biểu tình, ba người bị thương

Lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing nói cuộc đảo chính này 'khác biệt'

Ngày biểu tình thứ 5 liên tiếp

Các cuộc biểu tình diễn ra chủ yếu ở hai thành phố lớn nhất của Myanmar là Naypyidaw và Yangon đã kéo sang ngày thứ năm liên tiếp và ngày càng nhiều thành phần xã hội tham gia xuống đường phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2.

Theo truyền thông địa phương ghi nhận, một số công chức từ Bộ Năng lượng đã được nhìn thấy rời khỏi nơi làm việc vào hôm nay (10/2), gia nhập phong trào bất tuân dân sự khi tố cáo các nhà lãnh đạo đảo chính và kêu gọi khôi phục quốc hội.

“Cuộc đảo chính phải thất bại”, những người biểu tình hét lên.

“Tất nhiên là chúng tôi lo lắng về một cuộc đàn áp”, người biểu tình là một giáo viên có tên Khin Thida Nyein nói. “Chúng tôi chỉ có một cuộc đời nhưng chúng tôi vẫn bước ra…. vì chúng tôi quan tâm hơn đến tương lai của con cái mình".

Người biểu tình đối mặt với cảnh sát tại một ngã ba ở cố đô Yangon - Ảnh: Kenji / Al Jazeera

Tại thành phố lớn nhất Yangon, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường, với nhiều nữ thanh niên thể hiện sáng tạo sự phản đối của họ đối với quân đội bằng những bộ trang phục độc đáo.

Trong khi đó, nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy hàng chục cảnh sát Myanmar từ bang Kayah cũng tham gia cuộc biểu tình và giơ ba ngón tay chào để thách thức quân đội.

Theo báo cáo của Irrawaddy News, các nhân viên y tế trong trang phục bệnh viện màu xanh lá cây và đeo khẩu trang cũng tham gia vào các cuộc biểu tình ở Thị trấn Myawaddy của bang Karen.

Các nhân viên hàng không dân dụng và kiểm soát viên không lưu đã tham gia phong trào bất tuân dân sự đang phát triển. Cuộc đình công của họ được thiết lập để ảnh hưởng đến các chuyến bay quốc tế muốn đi qua không phận của Myanmar.

Cảnh sát sử dụng đạn cao su nhằm giải tán đám đông biểu tình - Ảnh: Reuters

Người biểu tình bị bắn

Tại Naypyidaw, các nhân chứng cho biết cảnh sát đã bắn đạn cao su vào người biểu tình sau khi dùng vòi rồng phun nước vào đám đông trước đó.

"Họ bắn cảnh cáo lên bầu trời hai phát, sau đó họ bắn vào người biểu tình bằng đạn cao su", một người dân nói với hãng tin AFP.

Ít nhất một bác sĩ trong đơn vị cấp cứu của bệnh viện cho biết quân đội có khả năng sử dụng đạn thật, khiến một người đàn ông 23 tuổi và một phụ nữ 19 tuổi trong tình trạng nguy kịch phải nhập viện.

“Chúng tôi tin rằng đó là những viên đạn thật vì vết thương của chúng”, bác sĩ nói.

Một bác sĩ khác cho biết người phụ nữ bị bắn vào đầu vẫn trong tình trạng nguy kịch và dự kiến sẽ không qua khỏi. Đoạn video trên mạng xã hội được hãng tin Reuters xác minh cho thấy cô gái cùng những người biểu tình khác đứng cách xa một dãy cảnh sát chống bạo động khi vòi rồng được triển khai.

Xung đột xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình - Ảnh: Reuters

Một vài tiếng súng được nghe thấy và người phụ nữ đội mũ bảo hiểm đi xe máy bất ngờ gục xuống. Hình ảnh chiếc mũ bảo hiểm của cô gái cho thấy một lỗ thủng do viên đạn tạo ra.

Cha của người đàn ông 23 tuổi này cho biết con trai ông đã bị bắn "khi thằng bé cố gắng sử dụng loa phóng thanh để yêu cầu mọi người biểu tình một cách hòa bình sau khi cảnh sát sử dụng vòi rồng để giải tán họ".

“Thằng bé bị bắn vào lưng… Tôi rất lo lắng cho nó”, người thợ kim hoàn 56 tuổi nói với AFP.

Ở thành phố Mandalay miền bắc Myanmar, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình trong ngày hôm nay.

Hàng rào được dựng lên và người biểu tình sử dụng áo mưa để tránh vòi rồng của cảnh sát ở Yangon - Ảnh: Reuters

LHQ, Mỹ phản đối sử dụng vũ lực với người biểu tình

Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ lên án việc sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình, những người muốn nhà lãnh đạo được bầu Aung Suu Kyi Kyi và các chính trị gia khác từ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền được thả và quay trở lại chế độ dân sự.

Trưởng nhóm thanh niên Esther Ze Naw nói với hãng tin Reuters: “Chúng ta không thể im lặng. Nếu có đổ máu trong các cuộc biểu tình ôn hòa của chúng tôi, thì sẽ còn nhiều hơn nếu chúng tôi để họ tiếp quản đất nước".

Hàng trăm nhân viên chính phủ đã tuần hành qua thủ đô Naypyidaw để ủng hộ một chiến dịch bất tuân dân sự bùng lên sau cuộc đảo chính vào tuần trước và đã có sự tham gia của nhiều thành phần gồm bác sĩ, giáo viên và công nhân đường sắt.

Hàng nghìn người đã có mặt trên các tuyến phố, một số người đội mũ bảo hiểm công trình và trang bị áo mưa, ô nhựa đề phòng cảnh sát sử dụng vòi rồng.

Một người biểu tình bế một đứa trẻ khi cô tuần hành với hàng nghìn người biểu tình ở Yangon vào thứ Tư (10/2), khi họ tiếp tục bất chấp cảnh báo của chính quyền quân sự - Ảnh: Ye Aung Thu / AFP

Vào cuối ngày thứ Ba (9/2), quân đội Myanmar đã đột kích vào trụ sở Yangon của NLD.

“Chính quyền độc tài quân sự đã đột kích và phá hủy trụ sở của NLD vào khoảng 9h30 tối (15h00 GMT)”, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ thông báo trong một tuyên bố ngắn trên trang Facebook của mình.

Các nhà lập pháp dân cử cho biết, cuộc đột kích được thực hiện bởi khoảng một chục nhân viên cảnh sát, những người đã tiến vào tòa trụ của của NLD ở cố đô Yangon. Đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020 và dự kiến sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày quân đội đảo chính.

Cuộc đột kích diễn ra sau ngày biểu tình thứ tư trên khắp Myanmar khi cảnh sát sử dụng vòi rồng ở một số thành phố, bắn đạn bọc cao su ở Naypyidaw và triển khai hơi cay ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước.

Hoa Kỳ lên án sự leo thang, kêu gọi quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và những người khác bị giam giữ trong cuộc đảo chính tuần trước và từ chức.

Một số người biểu tình đã mang theo guitar và hát mặc dù gia tăng lo ngại về một cuộc đàn áp - Ảnh: Kenji / Al Jazeera

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói với các phóng viên ở Washington, DC: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ bạo lực đối với những người biểu tình. Mọi cá nhân ở Myanmar đều có quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, kể cả vì mục đích phản đối hòa bình”.

Ông Price cho biết nỗ lực của Hoa Kỳ để tiếp cận bà Aung San Suu Kyi "trong những giờ và ngày sau cuộc đảo chính" đã bị từ chối, nhưng ông cho biết cộng đồng quốc tế đang "cố gắng mọi con đường để đảm bảo rằng nền dân chủ và quyền lãnh đạo dân sự được khôi phục ở Myanmar".

Trong khi đó, các nước phương Tây đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với quân đội sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 khiến quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar bị dừng lại.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/myanmar-bieu-tinh-keo-sang-ngay-thu-nam-bao-luc-gia-tang-post118512.html