Năm 2020: Loạt thách thức 'tự mình tạo nên' đang chờ đợi Tổng thống Donald Trump

Ông Trump đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống.

Theo CNN, sang năm 2020, những thách thức mà Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt trong năm cuối nhiệm kỳ có thể sẽ nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào từng trải qua trong ít nhất 100 năm trở lại đây.

"Và hầu hết những khủng hoảng này phần lớn đều do chính ông ấy tạo nên", CNN nhận định.

Triều Tiên

Trong cuộc gặp mặt duy nhất tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng vào tháng 11/2016, cựu Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo ông Trump rằng, nhà lãnh đạo khó đoán trước Kim Jong-un và kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề có nguy cơ cao nhất đối với chính quyền của ông. Cho tới thời điểm hiện tại, mọi chuyện dường như không có nhiều tiến triển.

Một trong những động thái đầu tiên của ông Trump là công kích Bình Nhưỡng. "Lửa cháy và giận dữ", người đứng đầu nước Mỹ đe dọa khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên sau đó, ông Trump đã thay đổi chiến lược và đem tới những thứ mà Triều Tiên mong muốn: "một nền tảng mang tính toàn cầu, nụ cười và những cái bắt tay", CNN viết.

Giờ đây, Tổng thống Trump chỉ có thể chờ đợi cái gọi là "món quà Giáng sinh" mà chính quyền Kim Jong-un đã nhắc tới từ nhiều tuần trước. Phần lớn sự chú ý của thế giới đang dồn vào thời điểm món quà sẽ được tung ra và chính xác là dưới hình thức nào. Mặc dù vậy, ông Trump vẫn tiếp tục thể hiện một bầu không khí lạc quan bất chấp những đánh giá về khả năng leo thang căng thẳng. Thay vào đó, ông quay mũi nhọn vào việc Hàn Quốc cần phải chia sẻ gánh nặng chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ đóng quân tại đây.

Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2020 (ảnh: getty images)

Tổng thống Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2020 (ảnh: getty images)

Trung Quốc

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó tạm dừng thực thi một số mức thuế mới, mở cửa thị trường Trung Quốc cho nhiều sản phẩm Mỹ… Ngay cả khi lễ ký kết diễn ra vào đầu năm 2020, cơ hội thực sự cho một hiệp định toàn diện hơn trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 – vẫn vô cùng nhỏ nhoi.

Mặc dù thỏa thuận giai đoạn một có thể giúp giảm một số áp lực lên nông dân, nhà bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ, nó vẫn khó có thể đưa thương mại song phương Mỹ - Trung Quốc trở về lại trạng thái trước khi ông Trump bắt đầu chiến tranh thương mại. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác khác như Nhật Bản và đặc biệt là các nước đang tham gia sáng kiến "Vành đai, Con đường" do Chủ tịch Tập khởi xướng.

Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin được đánh giá là sẽ dễ dàng "nắm trong tay" một trong những quốc gia quan trọng nhất ở Trung Đông – Syria. Điều này cho phép Moscow củng cố vị thế của mình tại đông Địa Trung Hải, nơi hạm đội 6 của Mỹ đóng tại Naples, Italy đang ngày càng trở nên mờ nhạt. Sự tái trỗi dậy của Nga chắc chắn sẽ là một thách thức trực diện cho quyền lực trên biển của Mỹ.

Brexit

Với việc Anh gần như chắc chắn sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Trump sẽ phải bắt đầu một loạt các cuộc đàm phán thương mại quan trọng, đầu tiên là với một nước Anh độc lập, và sau đó là phần còn lại của EU.

Tại lục địa, ông Trump đã đe dọa hai đồng minh lâu năm là Pháp – với các mức thuế áp dụng lên rượu vang, pho mai và túi xách; và Đức – với thuế áp dụng lên các sản phẩm ô tô nhập khẩu. Vì vậy, theo CNN, câu hỏi mở không phải là Mỹ sẽ còn bao nhiêu bạn bè ở châu Âu mà phải là, ông Trump thực sự quan tâm tới mức nào.

Tái tập hợp lực lượng

Cùng lúc, ông Trump đang phải đối mặt với nhiều thay đổi, bao gồm việc hình thành các liên minh và đối tác mới – có khả năng khiến Mỹ trở thành "kẻ bên lề".

Nga và Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh trao đổi thương mại và vũ khí tại châu Phi – một châu lục mà ông Trump chưa từng tới công du nhưng đã kịp đe dọa đưa quân đội Mỹ rời đi. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow ngày càng trở nên khăng khít với cột mốc lớn gần đây nhất là sự kiện khánh thành đường ống vận chuyển khí đốt nối liền hai nước.

Chưa dừng lại đó, Nga và Trung Quốc còn cùng thiết lập quan hệ đồng minh chung với Iran. Tuần trước, ba nước đã bắt đầu một loạt các hoạt động tập trận chung ở bắc Ấn Độ Dương. Và Tehran chắc chắn đang tìm kiếm các đối tác mới cũng như các thị trường mới để xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. CNN cảnh báo, 2020 cũng có thể là năm mà Iran quyết định họ không còn gì để mất và sẽ tiến gần hơn tới việc quay trở lại toàn diện chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ

Không thể không đề cập tới Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO đầu tiên đã mua một hệ thống vũ khí lớn do Nga sản xuất, tên lửa S-400. Quân đội Thổ cũng đang "sát cánh" cùng các lực lượng Nga và Syria trong cuộc chiến tại Syria trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Ankara đang ngày càng xấu đi.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nam-2020-loat-thach-thuc-tu-minh-tao-nen-dang-cho-doi-tong-thong-donald-trump-20200101093952875.htm