Năm 2020 sẽ triển khai tòa án điện tử

Ứng dụng tin học, công nghệ mạnh mẽ vào hoạt động xét xử, hành chính tư pháp là điều mà ngành tòa án đang thực hiện. Dự kiến năm 2020, ngành tòa án sẽ triển khai tòa án điện tử, trong đó thậm chí sẽ có những phiên tòa trực tuyến...

Ngày 18-3, TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại TAND và triển khai hướng dẫn thành lập các tòa chuyên trách trong các tòa án tại 66 điểm cầu trong cả nước.

Xây dựng tòa án điện tử

Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết nhiệm vụ lâu dài của ngành tòa án là nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý, sửa đổi quy định pháp luật liên quan để thực hiện việc tin học hóa hoạt động tố tụng và hành chính tư pháp tại tòa án. Chẳng hạn như tổ chức giải quyết một số khâu trong thu thập chứng cứ, tài liệu; thông báo lịch xét xử, triệu tập đương sự bằng hình thức trực tuyến (online); công nhận giá trị phiên bản điện tử các bản án, quyết định của tòa để cung cấp cho đương sự làm cơ sở cho việc xây dựng tòa án điện tử.

Bên cạnh đó, ngành tòa án cũng nghiên cứu xây dựng các phòng xét xử điện tử để thực hiện việc tự động ghi âm, ghi hình, chụp chiếu các tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa; nghiên cứu tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến. Số hóa và thực hiện việc quản lý, lưu trữ, khai thác, tiếp cận hồ sơ, tài liệu vụ án, thực hiện việc chuyển phiên bản điện tử của hồ sơ, tài liệu giữa các tòa với nhau...

“Đây là một yêu cầu cấp bách” - tại đầu cầu TP.HCM, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nhấn mạnh. Ông Bình giao cho Vụ Tổng hợp của TAND Tối cao khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án để tiến tới triển khai tòa án điện tử vào năm 2020. Trước mắt cần nghiên cứu, hướng dẫn quy định tại Điều 190, Điều 191 BLTTDS, Điều 119 Luật Tố tụng hành chính về việc gửi, nhận đơn trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử, trên cơ sở đó triển khai thực hiện thí điểm việc này tại một số tòa án có đủ điều kiện.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: H.YẾN

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: H.YẾN

Công khai công việc trên mạng

Tại hội nghị, các tòa án địa phương cũng báo cáo đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tố tụng, hoạt động hành chính tư pháp. Nhiều đơn vị đã xây dựng các website hay kios điện tử để thông tin về quy trình xử lý công việc tại tòa, các văn bản tố tụng và hành chính tư pháp.

Theo các tòa, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập, biết được đầy đủ thông tin về vụ việc đang được tòa giải quyết của mình (cán bộ trực tiếp giải quyết, tiến độ, thời gian, quy định pháp luật về giải quyết vụ việc đó)...

Bên cạnh những kết quả rất khả quan, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Ngô Tiến Hùng cũng cho biết hiện đang có một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tin học hóa như chi phí để cập nhật phần mềm, chi phí an ninh mạng, chất lượng mạng chưa ổn định, nghẽn mạch... Ông Hùng còn kiến nghị các kỹ sư tin học làm việc tại tòa cũng cần phải có trình độ về pháp luật.

Từ 3-4, TP.HCM có Tòa Gia đình và người chưa thành niên

TAND TP.HCM là đơn vị tòa án đầu tiên thí điểm thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014. Dự kiến ngày 3-4, TAND TP.HCM sẽ ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã yêu cầu TAND TP.HCM khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để Tòa Gia đình và người chưa thành niên thành lập, hoạt động tốt. Ông Bình nhấn mạnh việc thành lập cũng như hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên là cần thiết, tiến bộ. Tòa này được bố trí cơ sở, nhân lực bảo đảm tốt nhất, chú trọng quyền lợi của phụ nữ, người chưa thành niên. Ngoài thẩm phán, thư ký được đào tạo chuyên môn, còn có lực lượng nhân sự gồm nhân viên chăm sóc y tế, chuyên gia tâm lý, cán bộ hỗ trợ tư pháp… Tòa có mô hình phòng xử thân thiện, phòng hòa giải, phòng trông trẻ sao cho có thể giám sát, đánh giá được tâm lý trẻ...

Tiếp thu, Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương báo cáo đã lập đề án về Tòa Gia đình và người chưa thành niên trình TAND Tối cao xem xét cho ý kiến để sớm triển khai. Hiện TAND TP đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cho việc thành lập và ra mắt Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Theo đó, trụ sở tòa chuyên trách này sẽ được bố trí độc lập với trụ sở TAND TP hiện nay. Việc trang trí các phòng làm việc, phòng xử... cũng đề cao sự gần gũi, thân thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu đề ra. Sau khi thí điểm, TAND TP sẽ nhân rộng tổ chức tòa chuyên trách này cho 24 tòa án quận, huyện tại TP.

Theo Thông tư số 01/2016 của TAND Tối cao (quy định việc tổ chức các tòa chuyên trách tại TAND cấp tỉnh, cấp huyện), Tòa Gia đình và người chưa thành niên sẽ giải quyết: Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên. Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của BLTTDS.

TP.HCM áp dụng tốt cơ chế một cửa

Theo Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương, quá trình TAND TP áp dụng mô hình “cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” đã đạt được nhiều kết quả tốt: Toàn bộ hồ sơ thụ lý, các văn bản tố tụng, bản án khi phát hành đều được áp mã vạch từ ngày 1-10-2014; khắc phục việc chậm chuyển hồ sơ, bản án, quyết định, thông báo thụ lý, lệnh tạm giam; công tác tiếp nhận và xử lý các đơn, thư kháng cáo, kháng nghị, đơn thư khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, kịp thời; việc cấp sao lục bản án, quyết định của tòa án được thực hiện đúng quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc đối với thẩm phán, thư ký và cán bộ, công chức khác… Hiện nay, việc áp dụng mã vạch hồ sơ, văn bản cũng đã được TAND TP triển khai thí điểm tại TAND quận 4, quận 10 và huyện Nhà Bè.

Bên cạnh đó, hướng tới sự khách quan, hiệu quả, TAND TP cũng thực hiện chương trình hỗ trợ phân công án ngẫu nhiên được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ cho người phân công biết số án phải phân công, số án tồn, số án giải quyết, số án tạm đình chỉ, số án hủy của từng thẩm phán. Sau đó, người phân công tự quyết định chọn từng thẩm phán và phân số lượng án phù hợp, người phân công không biết được vụ án cụ thể nào. Sau khi phân công, hệ thống sẽ tự động in quyết định phân công thể hiện vụ án cụ thể.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/nam-2020-se-trien-khai-toa-an-dien-tu-618140.html