Năm 2022, du lịch nội địa vượt mốc kỳ vọng
Năm 2022, ngành Du lịch đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu khách trong nước và 5 triệu khách quốc tế. Đến nay, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch nội địa sắp cán mốc 100 triệu lượt khách, vượt xa kỳ vọng đặt ra ban đầu.
Du lịch nội địa sắp cán mốc 100 triệu lượt
Tổng cục Du lịch (TCDL) thống kê, tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt khách, cao hơn nhiều so với con số cả năm 2019 – thời điểm trước đại dịch xảy ra. Tổng thu từ khách du lịch trong nước ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng, vượt mức so với kỳ vọng, đà phục hồi của du lịch quốc tế vẫn còn chậm. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, vẫn còn xa so với mục tiêu 5 triệu lượt khách ngành du lịch đặt ra từ đầu năm nay.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Trong đó nổi bật với công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch đậm nét hình ảnh du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế WTM London 2022; Chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đạt giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII; Ra mắt hệ thống Email xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam lần đầu tiên.
Về hoạt động chuyển đổi số, sau Công văn số 1818/TCDL-TTTTDL ngày 4/11/2022 của TCDL gửi Sở quản lý du lịch các địa phương về việc phối hợp triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, nhiều địa phương đã tích cực kết nối, phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL) để tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số du lịch trên địa bàn. Tiêu biểu là Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Mường La (Sơn La)...
Trong tháng 12/2022, Trung tâm Thông tin du lịch phối hợp với các đối tác liên quan sẽ khởi động Dự án “Thẻ Việt” thuộc chương trình “Một thẻ Quốc gia”.
Ngoài ra, ngành Du lịch Việt Nam “bội thu” tại giải thưởng World Travel Awards 2022 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) với 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục hàng đầu châu Á.
Những chỉ số trên và sự ghi nhận của quốc tế là kết quả của những nỗ lực cố gắng của toàn ngành Du lịch Việt Nam, trong đó có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư, các địa phương với khát vọng phát triển du lịch để góp phần khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Sự phục hồi và phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế sau dịch; giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Biểu hiện rõ thấy nhất là lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ phục hồi với tốc độ rất chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Vẫn thiếu hụt nhân sự
Một trong các nguyên nhân chính của những vấn đề vướng mắc là nguồn nhân sự du lịch vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành Du lịch sau dịch. Đặc biệt sau dịch, một bộ phận nhân sự chất lượng cao đã bỏ nghề, chuyển sang làm việc khác, dẫn đến sự thiếu hụt lớn cả về chất và lượng.
Mới đây, tại Hội thảo với chủ đề “Bài toán trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững”, các chuyên gia đều nhấn mạnh vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong quá trình phục hồi và bứt phá trong du lịch, nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Đơn cử, PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khẳng định “cần phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn cho sinh viên Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng tình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (TCDL) cũng nhấn mạnh, việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
Điều này cũng được thể hiện trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 khi xác định trong các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đơn cử, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động lành nghề;…
Tuy nhiên, xét về những khó khăn, các chuyên gia đều đồng tình với những hiện tượng thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao, cán cân lao động không cân bằng, phương thức đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn… Những vấn đề này đều đã được nêu ra trong nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có những giải pháp giải quyết triệt để. Thực tế này đòi hỏi trong thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam phải tiếp tục tìm kiếm và thực hiện những giải pháp căn cơ hơn, giúp nâng cao chất lượng lao động du lịch một cách thực chất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân sự của thị trường du lịch cả về chất và lượng.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nam-2022-du-lich-noi-dia-vuot-moc-ky-vong-post461630.html