Năm 2022, ngành Dân số đề ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Ngày 13/01, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Dân số (DS) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Giám đốc Sở Y tế - Mai Văn Dũng chủ trì tại điểm cầu Long An.
Năm 2021 - năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 triển khai đồng bộ Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 với 6 chương trình, 4 đề án, 2 kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW (khóa XII) của Đảng, công tác DS tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của nhân dân.
Tổng cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Chi cục DS - KHHGĐ, cơ quan DS cơ sở, cộng tác viên DS nỗ lực thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.
Bên cạnh đó, trong năm qua, công tác DS còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Các hoạt động truyền thông và cung ứng dịch vụ DS bị gián đoạn, mức sinh có dấu hiệu tăng. Nhiều địa phương tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác DS, bao gồm cả mạng lưới cộng tác viên DS.
Ngoài ra, một số văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác DS ban hành chậm, không đồng bộ. Kinh phí đầu tư bị cắt giảm sau khi kết thúc chương trình mục tiêu y tế - DS. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành DS chưa đáp ứng yêu cầu.
Năm 2022, ngành DS đề ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS. Một số chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP: Tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) là 73,8 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh 111,4 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ.
Chỉ tiêu chuyên môn là tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm là gần 5,2 triệu người; giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn 15% so năm 2021; 60% bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh); 55% trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh);…
Ngành cũng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật. Đồng thời, triển khai các chương trình, đề án: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; truyền thông DS; tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác DS;…/.