Năm 2024, kinh tế - xã hội phục hồi rõ nét, GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu

Sáng 9-10, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Báo cáo tại phiên họp về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Trong đó, đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép. Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư. Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới...

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân. Đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 với mức cao nhất từ trước đến nay; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp 6% trong năm 2024.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Mặt khác, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Vấn đề ngập úng, ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường... vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ, thiếu nước, xâm nhập mặn… diễn biến khó lường, nhất là cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng....

Về phương hướng trong thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục kiên định mục tiêu đề ra, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.

Cùng với đó là chủ động cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để phục vụ chỉ đạo, điều hành; kiểm soát giá đầu vào, có lộ trình tăng giá phù hợp, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, lương thực, thực phẩm; phát triển mạnh thị trường, tăng tổng cầu trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các thời điểm thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm, lễ, Tết. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Khẩn trương xử lý các kiến nghị về giá đất trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai. Bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân và toàn xã hội….

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nam-2024-kinh-te-xa-hoi-phuc-hoi-ro-net-gdp-ca-nam-uoc-dat-khoang-6-8-7-vuot-muc-tieu-797973