Năm 2035, Hà Nội phấn đấu xanh hóa 100% xe buýt

Việc sử dụng xe buýt điện không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn thu hút được hành khách tăng cường sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Đây là nội dung của đề án đang được UBND thành phố Hà Nội xem xét thực hiện.

Để thực hiện mục tiêu "xanh hóa’" xe buýt, trước hết, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, thành phố cần đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ cho hoạt động của hệ thống buýt điện như: Lắp các trạm sạc, quy hoạch nguồn điện, hỗ trợ nguồn vốn, lãi vay… Đặc biệt, cần đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, có thái độ phục vụ hành khách chuyên nghiệp. Hiện, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm lập đề án chuyển từ xe buýt truyền thống sang xe buýt điện. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại hệ thống định mức đơn giá cho các loại xe buýt có năng lực vận chuyển khác nhau.

Ông Trần Đình Tiến – Trưởng Phòng kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, cho biết: "Một vấn đề nữa là các bộ, ngành cần ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe buýt điện có thể kéo dài hơn so với các loại xe buýt truyền thống, tăng từ 10 năm lên 15 năm. Đồng thời xem xét lại thời gian kí kết hợp đồng để bảo đảm các đơn vị vận hành xe buýt điện yên tâm hoạt động".

Theo các chuyên gia, hiện trong nước có nhiều nhà đầu tư còn e dè vì giá xe buýt điện đắt. Do đó, Chính phủ, các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích phát triển loại hình xe buýt này.

Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định, nếu đã khẳng định cần phát triển xe buýt xanh thì cần xóa bỏ những khó khăn, rào cản về cơ chế, đặc biệt khi Luật Thủ đô sửa đổi đã trao cho thành phố nhiều cơ chế, thẩm quyền vượt trội. Thành phố cần sớm đầu tư hệ thống cọc báo thời gian các tuyến buýt đến tại các điểm chờ để hành khách biết chính xác giờ xe đến. Bên cạnh đó cũng cần cung cấp các phần mềm (app) tốt hơn cho hành khách và đầu tư để tạo kết nối nhiều hơn nữa giữa các loại hình phương tiện vận tải. Ông Tùng hy vọng, đến năm 2030, 100% phương tiện vận tải công cộng của Hà Nội là xe buýt xanh, xe buýt sạch.

Là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này vận hành 100% phương tiện xe điện, ông Nguyễn Công Nhật – Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus, đề xuất: "Hiện Hà Nội mới có định mức cho xe buýt điện lớn, chưa có định mức cho xe điện trung bình và nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp mong thành phố thúc đẩy để có đủ định mức cho các loại xe buýt điện. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang xe buýt điện. Ngoài ra, thành phố cũng cần có cơ chế “kéo và đẩy”, ưu tiên trong nhượng quyền, gia nhập thị trường với doanh nghiệp có năng lực để có thể đẩy mạnh tiến trình xanh hóa mạng lưới giao thông công cộng".

Tại kỳ họp tháng 7/2024 vừa qua, Đề án phát triển vận tải hành khách khách công cộng sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh đã được Hội đồng Nhân dân thành phố tán thành chủ trương. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, có 70-90% đoàn phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh và đến 2035, con số này là 100%. Đây đều là những mục tiêu cao và quyết liệt, sớm hơn 15 năm so với yêu cầu của Chính phủ.

Đề án căn cứ vào điều kiện, nguồn lực hiện có của thành phố để phân kỳ, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện là 5%, tức có 22% đoàn phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh; giai đoạn 2026-2030, chuyển đổi 93,4% đoàn phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng điện, dự kiến là hơn 1.800 xe. Giai đoạn 2031-2033, 100% phương tiện được chuyển đổi sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, với số lượng phương tiện dự kiến là hơn 2.000 xe. Hiện Đề án này đang được UBND thành phố xem xét.

Lê Huyền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nam-2035-ha-noi-phan-dau-xanh-hoa-100-xe-buyt-278442.htm