Năm ấy, tôi về nhà kịp đón giao thừa

1.Tôi có thói quen và sở thích muốn trải nghiệm một lần những công việc đời thường mà những cư dân ở quanh mình làm được. Tôi không có suy nghĩ “nổi loạn” là người ta làm được thì mình cũng làm cho bằng được. Chỉ đơn thuần là thích trải nghiệm những việc mà mình có thể chạm đến những khả năng chưa đánh thức! Chẳng hạn như, nhà tôi làm nghề bánh tráng, là con trai nhưng tôi có thể làm được tất cả các công đoạn được cho là khéo léo và khó nhất, chỉ dành riêng các mẹ, các chị: tráng bánh! Hay thấy ba tôi chơi đàn cò (đàn nhị), tôi tập và cũng kéo được bập bõm… đại loại như một cách trải nghiệm.

Minh họa: HƯNG DŨNG

Minh họa: HƯNG DŨNG

Tôi ngụ cư một ngôi làng ven thành phố, chuyên trồng hoa để bán vào dịp tết, như: cúc, quất, mai, hồng… Người trồng hoa không chỉ bán ở chợ địa phương, mà còn ở các tỉnh ngoài. Nhà neo người thì trồng hoa đến mùa thì bán sỉ cho thương lái, phần lớn nhà nào có đàn ông đều tự mình thuê xe “ba chân” (xe tải lớn 3 cầu) chở đi bán các tỉnh.

Bán hoa ở các tỉnh xa ngày giáp tết trở thành cái thú, sở thích của nhiều ông chủ vườn hoa. Có nhiều lý do để họ gắn bó, mặc dù công việc này vừa cực nhọc vừa hồi hộp lo không kịp về nhà trong chuyến xe cuối năm để đón giao thừa, sum họp cùng gia đình.

Trong một buổi trà dư tửu hậu, tôi và một ông hàng xóm tay mơ quyết định “phen này ông quyết đi buôn… phấn (hoa)”. Hoa mua nhà vườn mối quen, giá hữu nghị, chở đi bán, cộng thêm tiền xe, chắc là không lỗ được, nếu có chỉ là thất công những ngày cuối năm bận bịu. Nhưng bù lại được trải nghiệm cái cảm giác đứng đường bán hoa, ngắm người xe ngày Tết và được về nhà trên chuyến xe cuối năm. Anh hàng xóm tay mơ kia còn khẩu khí: “Ông là nhà báo thì phải trải nghiệm thực tế mới viết bài hay được”. Vợ tôi, cũng có phần lung lay vì cái lý lẽ quá ư chính đáng ấy nên cũng ậm ừ ủng hộ.

2.Tôi chọn mai vàng, loài hoa thuộc hàng quý phái và có giá. Thị trường định vị TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), có nhà một người bạn ở mặt đường lớn, là nơi bán hoa. Ngồi trên “xe hoa” trong chiều ngày đưa ông Táo về trời mà trong bụng nhiều nghĩ ngợi vừa phấn khởi với viễn cảnh sắp diễn ra, vừa bồn chồn khó tả.

Chỉ hai ngày đầu khi xuống xe mai, nhờ người quen giới thiệu ủng hộ, anh em tôi thu được nửa vốn. Quá khỏe, thêm ông bạn chủ nhà, tối đến cứ tì tì làm thùng bia “giải mỏi” vì quý ông nhà báo đi bán hoa!

Đời không như là mơ! Xứ Ninh Thuận đúng là “gió như phang - nắng như rang”. Chỉ hôm sau đó, đám mai nhà tôi rùng rùng bung tét lét nên phải tìm cách hãm mai nở. Sáng 30 tết, sân mai vẫn còn mấy chục chậu, anh em ba chân bốn cẳng thuê xe ba gác đưa hết số mai từ nhà người quen xuống quảng trường, mong có đông người qua lại để giải cứu, còn kịp chuyến xe về chiều cuối năm.

13 giờ ngày 30 tết, chuyến xe cuối cùng cũng rời bến. Bãi hoa còn nhiều quá, mặc dù đã phải bán dưới giá vốn. Người mua thì cứ nhẩn nha như mèo vờn chuột để có được giá bèo nhất, dù ai cũng biết mua hoa thời điểm này thì còn gì là hoa. Người bán không chuyên như tôi thì ruột như có kiến bò, lửa đốt.

15 giờ rưỡi chiều, chiếc xe vét cuối cùng trờ tới, qua sự liên hệ của những “đồng nghiệp” có kinh nghiệm. Tôi lên xe rồi nhẩm tính, với quãng đường 200km về nhà, mà lòng bồn chồn không yên.

Tôi bước vào nhà, khi trời đã tối hẳn, hai mẹ con bên mâm cơm cuối năm. Bé con ào ra mừng bố. Vợ tôi đã nấu sẵn nồi nước lá thơm để tắm tẩy trần, sau một tuần lễ phơi nắng, phơi sương để bán hoa. Một cảm giác nhẹ nhõm.

Dù sao thì cũng được về nhà ngày cuối năm trước giờ giao thừa. Chuyện lời - lỗ trong “chuyến buôn” trải nghiệm cũng không còn thật sự quan trọng nữa. Bé con bảo: Ăn cơm xong, bố nghỉ ngơi, con cũng ngủ sớm, giao thừa nhà mình đi xem bắn pháo hoa tháp Nhạn…

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252135/nam-ay-toi-ve-nha-kip-don-giao-thua.html