Nắm bắt nguyện vọng để đào tạo nghề phù hợp

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT), hàng năm, huyện Đại Từ đều tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động trên địa bàn để mở các lớp dạy nghề cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu của người học và người tuyển dụng lao động ở từng địa phương. Nhờ đó, hầu hết LĐNT sau khi được ĐTN đều có công ăn việc làm ổn định.

Công ty Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - Chi nhánh Đại Từ đang tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động nông thôn của địa phương với mức thu nhập từ 6-7,5 triệu đồng/tháng.

Công ty Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - Chi nhánh Đại Từ đang tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động nông thôn của địa phương với mức thu nhập từ 6-7,5 triệu đồng/tháng.

Sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2016, chị Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1998), xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội (Đại Từ) quyết định đăng ký theo học lớp ĐTN may sơ cấp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở tại UBND xã. Tham gia lớp ĐTN, chị Linh và gần 40 LĐNT khác đều được miễn 100% học phí và hỗ trợ tiền ăn (30 nghìn đồng/người/ngày). Sau 3 tháng đào tạo, những học viên đủ điều kiện được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề may và được giới thiệu vào làm việc ngay tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - Chi nhánh Đại Từ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Linh phấn khởi cho biết: Trong thời gian học nghề tôi được đào tạo, hướng dẫn tỉ mỉ theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” nên chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã nắm bắt được những kỹ năng cơ bản của nghề may. Tính đến nay, tôi đã được giới thiệu vào làm việc ở Công ty được gần 4 năm. Hiện, mức lương của tôi là 7,5 triệu đồng/tháng.

Còn ông Nguyễn Văn Thắng, xóm 11, xã Tân Linh đã chọn đăng ký tham gia lớp ĐTN chăn nuôi thú y để phục vụ việc phát triển kinh tế của gia đình. Ông Thắng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nuôi khoảng 40-50 con lợn thịt/lứa nhưng vì thiếu kiến thức chăn nuôi nên đàn lợn phát thường triển chậm, lại hay mắc dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Tham gia lớp ĐTN (năm 2017), tôi không chỉ được cập nhật kiến thức về chăn nuôi thú y mà còn được kết nối với các đơn vị cung ứng thuốc thú y, con giống, thức ăn... Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi trên 200 con lợn thịt và 50 con lợn nái/lứa. Bình quân mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng

Theo thống kê, huyện Đại Từ hiện có dân số 173.525 người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 127.722 người, chiếm 73,60%. Với đặc thù là huyện thuần nông nên trên 95% người lao động trên địa bàn huyện đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, huyện Đại Từ luôn đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai Đề án ĐTN cho LĐNT. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được trên 250 lớp cho 7.674 LĐNT trên địa bàn huyện, với các ngành nghề chủ yếu như: Chăn nuôi thú y; sửa chữa máy móc nông nghiệp; chế biến chè xanh, chè đen; trồng cây ăn quả; trồng và nhân giống nấm…

Qua khảo sát, trên 80% LĐNT sau đào tạo đã được giải quyết việc làm ngay. Trong đó, phần lớn giới thiệu vào làm tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và huyện với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng. Số lao động còn còn lại, sau khi được đào tạo cũng đã chủ động áp dụng hiệu quả những kiến thức được học vào phát triển kinh tế gia đình. Thực tế cho thấy, nhiều lao động sau học nghề đã xây dựng được những mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện đều tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của đông đảo người lao động trên địa bàn, đồng thời, dự báo tình hình việc làm và thu nhập của học viên sau khi học nghề, từ đó mở các lớp ĐTN cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương và nhu cầu của người học cũng như nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động. Bên cạnh công tác ĐTN tại các cơ sở đào tạo của tỉnh và huyện, chúng tôi còn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tổ chức ĐTN cho lao động trước khi vào làm việc tại doanh nghiệp. Nhờ đó, số LĐNT được ĐTN và giải quyết việc làm không ngừng tăng lên. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 65% (tăng 20% so với năm 2015).

Nguyên Ngọc

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nam-bat-nguyen-vong-de-dao-tao-nghe-phu-hop-276195-85.html