Nắm chắc tuyến biên giới để chống buôn lậu
Hiện nay, các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đang nỗ lực thực hiện 'nhiệm vụ kép', đó là vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa chống buôn lậu. Cuộc chiến '2 trong 1' này tạo áp lực rất nặng nề lên đôi vai của từng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nơi đây. Điều đáng mừng là tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt, trong khi buôn lậu đã bị hạn chế đến mức tối đa.
Tang vật buôn lậu được tạm giữ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Ảnh: G.K
Tịnh Biên được xem là địa bàn “nóng” về tình hình buôn lậu của tỉnh. Hàng được tuồn về nội địa thông qua các tuyến đường thủy lẫn đường bộ, tùy theo điều kiện thời tiết, địa hình. Bài toán đặt ra là phải giữ vững tuyến biên giới, kiểm soát tốt lượng người và hàng hóa lưu thông.
Thượng tá Bùi Văn Cường (Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) cho biết, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu, với các biện pháp đồng bộ, chủ động. Trong giai đoạn thực hiện “nhiệm vụ kép”, CBCS của đồn phối hợp lực lượng liên quan (hải quan, dân quân tự vệ, công an) thường xuyên đi tuần tra, quan sát mọi động tĩnh trên biên giới cả ngày lẫn đêm.
“Đối với 9,2km đường biên giới do đồn quản lý, chúng tôi bố trí 22 tổ chốt (trong đó 20 tổ phối hợp), với hơn 100 CBCS biên phòng cùng các lực lượng liên quan. Trung bình, cách 300m sẽ có 1 tổ chốt. Từ tổ chốt này, có thể quan sát bao quát đến tổ chốt kế tiếp.
Đối với các địa điểm có thể di chuyển bằng đường thủy, đơn vị tổ chức chốt chặn nghiêm ngặt nhiều ngày nay. Chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 số 5 được đặt ngay cống Cây Dương (khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên), dùng 1 chiếc vỏ lãi đặt ngang cống, khóa chặt đường đi vào nội địa. Tương tự, chiếc vỏ lãi khác được đặt ngay cống Tư Mèo.
Do đó, tình hình buôn lậu giảm đến mức tối đa. Khi phát hiện đối tượng buôn lậu, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch, đặt ra nhiều phương án để triển khai thực hiện nhiệm vụ, có biện pháp “nghi binh” để tránh bị đối tượng theo dõi, "canh me". Trong nhiều vụ bắt buôn lậu, lực lượng phải mật phục, ẩn nấp dưới kênh mương; từng CBCS đều được yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, vất vả cỡ nào cũng phải vượt qua” - thượng tá Bùi Văn Cường chia sẻ.
Quý I-2020, các ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện 540 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, với tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng. Đồng thời, đã tiến hành khởi tố 12 vụ, 17 đối tượng liên quan. Gần đây nhất, vào lúc 2 giờ ngày 16-4, tổ công tác chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình phát hiện tại khu vực bến đò 24/24 giờ (thuộc tổ 3, ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, An Phú), xe ôtô tải biển kiểm soát 67C-027.20 có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.
Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe chở 40 bao đường cát (loại 50kg/bao), vỏ bao có in dòng chữ nước ngoài. Tổng trọng lượng 2 tấn, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe tên Nguyễn Hồng Thanh (sinh năm 1972, thường trú phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính và đưa toàn bộ người, phương tiện tang vật về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ (Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang) cho biết, so với trước đây, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, do làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn. Cùng với bắt giữ các vụ án buôn lậu lớn nên đối tượng buôn lậu không còn ngang nhiên thách thức như trước. Hiện nay, họ không còn vận chuyển hàng hóa bằng ghe lớn, mà chủ yếu “canh” lực lượng chức năng để thuê đai vác nhỏ lẻ. Số lượng và lợi nhuận từ nguồn hàng này rất ít, không “khủng” như một số thông tin lan truyền hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh phân tích, buôn lậu là hoạt động thường xuyên diễn ra ở các vùng biên giới, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là do các đối tượng lợi dụng sơ hở, có thể vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới, thu lợi nhuận chênh lệch. Hàng buôn lậu có chất lượng cao, giá cả rẻ hơn hàng trong nước sản xuất, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn. Việc xử lý của ngành chức năng chưa đủ sức răn đe; “đội ngũ” đai vác - mắc xích quan trọng của quá trình buôn lậu - chưa thể giải quyết tốt; mức khen thưởng cho lực lượng làm nhiệm vụ và “người chỉ điểm” chưa thuyết phục…
“Dân buôn lậu “canh” lực lượng chức năng, trong khi lực lượng rất mỏng, áp lực nặng nề. Nếu có thêm “tai mắt” của người dân, thì buôn lậu không thể tồn tại được, chỉ có “chạy đằng trời”. Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần chống buôn lậu của toàn xã hội, của từng người dân. Về phía mình, lực lượng làm nhiệm vụ phải xác định, đây là công việc phức tạp, lâu dài, đầy thử thách; cố gắng kiềm chế buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở mức thấp nhất. Cần tiếp tục kiên trì thực hiện nhiều giải pháp, phối hợp đồng bộ các lực lượng và các địa phương, giữa lực lượng của nhà nước với cánh tay nối dài trong dân, gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó là phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng, nắm chắc tuyến biên giới; xử lý mạnh đối tượng đầu nậu, kể cả xử lý hành chính và hình sự” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nam-chac-tuyen-bien-gioi-de-chong-buon-lau-a270195.html