Năm học mới ở ngôi trường đặc biệt
Năm học mới bắt đầu, cũng là lúc cô trò Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Kạn lại cùng nhau nỗ lực xây những viên gạch cho 'ngôi nhà' đầy yêu thương, chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ kém may mắn.
Nhập học tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, mỗi em có một hoàn cảnh, lứa tuổi khác nhau, trở thành học sinh đặc biệt của ngôi trường đặc biệt.
Giáo viên vừa là thầy cô, vừa là chuyên gia tâm lý, phải hiểu tính cách, tình trạng sức khỏe từng học sinh thì mới có thể đưa ra “giáo án” phù hợp. Khó khăn là vậy song với tình yêu thương, mong muốn học sinh khuyết tật có một tương lai tươi sáng hơn, các cô giáo đều tự nỗ lực học tập và nghiên cứu mỗi ngày.
Đã 17 năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt này, đến nay cô giáo Triệu Thị Thiều đã có thể sử dụng thuần thục ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải nội dung bài học cho học sinh khiếm thính. Bằng sự tận tâm, tận tụy cô Thiều luôn được học sinh khiếm thính coi như người mẹ thứ 2. Sự ngây ngô, đáng yêu của học sinh đã trở thành động lực cho cô Thiều gắn bó với nghề cao quý này.
Cô Thiều chia sẻ: Dạy trẻ khiếm thính phải có tâm, đồng cảm, chia sẻ được thể hiện bằng nét mặt, không gần gũi sẽ dẫn đến xa cách. Ngôn ngữ ký hiệu phong phú, vì vậy mỗi ngày cô tự đặt ra mục tiêu phải học ít nhất 4 kí hiệu để có thể truyền tải hết về cuộc sống cho học sinh. Còn nhớ, khi mới tiếp nhận một học sinh khiếm thính 14 tuổi, gia đình hoàn cảnh chưa được đi học, nhưng sau một tuần em đã có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để nói chuyện. Gia đình cầm tay cô khóc cám ơn. Cảm giác thật ý nghĩa khi giúp được các em từng bước hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Ở phòng học khác, cô giáo Nông Thị Hựu hỗ trợ trẻ luyện viết chữ số. Bé chậm nói nên cô phải phát âm từng từ, chậm rãi để bé đọc theo.
Cô Hựu chia sẻ: Đối với trẻ tự kỷ phải kiên nhẫn, khích lệ học sinh, tạo sự tin tưởng thì mới đạt được kết quả tốt. Dạy học sinh khuyết tật, cô giáo thực sự như một người mẹ, người bạn, phải nắm được khả năng nhận thức, tâm sinh lý của từng em. Khi đã hiểu rõ khó khăn của mỗi em, giáo viên điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với nhận thức từng trường hợp.
Năm học 2023 – 2024, Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh có 70 học sinh đang theo học với 10 lớp học có độ tuổi từ 3 – 14 tuổi cùng 16 cô giáo. Các em được dạy dỗ, chỉ bảo từng bước, từ việc biết chào hỏi, xin phép, xin lỗi, cảm ơn và biết tự phục vụ cho bản thân mình, sau đó mới đến những kiến thức trong sách vở. Tùy theo mức độ nhận thức và loại hình khuyết tật nhằm có phương pháp giáo dục phù hợp. Chính vì vậy, từ khu vực dạy học, thể chất, đến khu nhà ăn, vui chơi... đều được phân bố hợp lý để chuẩn bị cho các em những hành trang tốt nhất hòa nhập cộng đồng.
Là ngôi trường đặc biệt, nhiều năm qua Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và nhà hảo tâm nên về cơ bản cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng nhu cầu học tập, nội trú của học sinh.
Cô Phạm Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật chia sẻ: Là môi trường giáo dục đặc thù, với mỗi lứa tuổi và loại khuyết tật giáo viên sẽ ứng dụng những cách dạy phù hợp. Trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi có chương trình can thiệp sớm như: Dạy trẻ biết cách tự mặc quần áo, ăn uống và vệ sinh, kỹ năng giao tiếp, tương tác với các trẻ đồng lứa và người lớn qua các hoạt động, các trò chơi đơn giản; trẻ em khuyết tật từ 6 tuổi trở lên, có chương trình tập trung dạy kỹ năng sống, tự phục vụ…
Trung tâm hoạt động theo hình thức nội trú cho 40 cháu theo quy định. Vì không có biên chế quản sinh nên 16 cô giáo luân phiên trực thành 8 ca, mỗi ca 02 cô. Dù có vất vả, khó khăn riêng nhưng tập thể nhà trường luôn đoàn kết cùng chăm lo, "vun trồng" những mầm non đặc biệt, bằng tâm huyết và tình yêu thương giúp các em vơi bớt thiệt thòi, có cơ hội sớm hòa nhập với cộng đồng./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/nam-hoc-moi-o-ngoi-truong-dac-biet-post55739.html