Nấm Lư gỡ khó thực hiện tiêu chí thu nhập

Cách trung tâm huyện Mường Khương không xa nhưng Nấm Lư vẫn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều, giao thông nối giữa các thôn hạn chế, thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Đến hết năm 2019, Nấm Lư mới đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, có 238/723 hộ nghèo (chiếm 33%), thu nhập bình quân của người dân mới đạt 19 triệu đồng/năm.

Thời gian đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, một số đoàn thể của xã chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của chương trình nên thiếu sự chủ động, không sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và người dân trong xã còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự phối hợp giữa các cấp, các đoàn thể thiếu kịp thời, chặt chẽ, chưa xác định đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên...

Theo ông Phạm Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư, thu nhập của người dân trên địa bàn phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, rất bấp bênh. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương để triển khai nhiều giải pháp. Trong 5 lĩnh vực công tác trọng tâm, vấn đề phát triển sản xuất, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp được xã ưu tiên thực hiện. Ban Chỉ đạo xã đã yêu cầu ban phát triển các thôn nghiêm túc tổ chức họp thôn hằng tháng để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước. Các nội dung liên quan đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thường xuyên được nêu trong các buổi giao ban xã, cuộc họp giữa lãnh đạo xã và các thôn để kịp thời phát hiện, khắc phục những vướng mắc.

Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, xã đẩy mạnh định hướng cho bà con phát triển kinh tế, chú trọng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao (lúa Séng cù) và cây công nghiệp; đẩy mạnh chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích bà con duy trì, phát huy các nghề truyền thống như làm mộc dân dụng, gạch không nung, đan lát, chế biến tương ớt, nấu rượu, chế biến thịt hun khói, lạp xường... Nhờ đó đến nay, Nấm Lư đã có vùng lúa đặc sản Séng cù với hơn 80 ha, hơn 120 ha chè Shan, 20 ha ớt, gần 100 ha nghệ; xã có gần 2.500 con gia súc và gần 10.000 con gia cầm…

Nhiều hộ dân ở Nấm Lư thoát nghèo nhờ nuôi gia cầm.

Nhiều hộ dân ở Nấm Lư thoát nghèo nhờ nuôi gia cầm.

Những năm trước đây, gia đình anh Sin Văn Nguyên, ở thôn Cốc Chứ có thu nhập bấp bênh do chỉ phụ thuộc vào cây lúa. Được các đảng viên trong chi bộ định hướng, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, năm 2016, anh Nguyên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi vịt, gà và lợn đen bản địa. Quá trình phát triển kinh tế gia đình, anh luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Hiện nay, gia đình anh có hơn 400 con vịt, gần 300 con gà trong độ xuất chuồng, gần 500 con vịt giống và 20 con lợn đen bản địa. Sau 2 năm, anh đã trả hết nợ vay ngân hàng, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí còn để ra được hơn 100 triệu đồng.

Ngoài mô hình kinh tế hiệu quả của gia đình anh Nguyên, xã Nấm Lư cũng đã vận động thành công nhiều hộ phát triển kinh tế. Có thể kể đến một số hộ tiêu biểu như gia đình anh Lù Diu Cáng ở thôn Ngam Lâm - hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện”. Anh Cáng làm giàu từ chăn nuôi lợn đen bản địa, nuôi vịt và trồng rừng, mỗi năm thu nhập gần 300 triệu đồng. Hoặc gia đình anh Vàng Văn Nam (thôn Pạc Chà), anh Lù Tờ Hùng (thôn Pạc Ngam), anh Sin Phà Hầu (thôn Ngam Lâm) trở thành hộ có kinh tế khá nhờ mô hình sản xuất tổng hợp; hộ ông Lù Cao Tiến (thôn Pạc Ngam) làm giàu từ mô hình làm gạch không nung…

Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt, riêng năm 2019 xã giảm được 16% hộ nghèo.

Với những giải pháp giúp nâng cao thu nhập cho người dân, Nấm Lư tự tin hoàn thành mục tiêu năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,5% và đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới.

Thu Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/nam-lu-go-kho-thuc-hien-tieu-chi-thu-nhap-z36n20200430154629621.htm