Năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có thể tăng 7%
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo lượng tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm nay sẽ tăng khoảng 7% do lượng tôm quốc gia này dự kiến giảm do dịch bệnh.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lý giải, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II năm nay đã tăng trưởng trở lại và được dự báo sẽ không giảm trong cả năm nay.
Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự báo sẽ không giảm và dự kiến, lượng tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 7% trong năm 2020.
Đầu tháng 07/2020, Ecuador gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu tôm sang Trung Quốc do 3 công ty xuất khẩu tôm lớn của nước này bị cấm xuất sang Trung Quốc vì phát hiện vi-rút Corona, chủng mới gây bệnh Covid-19, trên bao bì của tôm trắng đông lạnh.
Ngoài ra, một số lô tôm xuất từ Ấn Độ sang Trung Quốc bị chậm thông quan, cộng với xung đột căng thẳng tại đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc nên VASEP dự đoán xuất khẩu tôm từ 2 nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc là Ecuador và Ấn Độ sang Trung Quốc sẽ giảm trong quý III năm nay.
Vì vậy, tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trong quý III năm nay, để bù đắp nguồn cung giảm từ Ecuador và Ấn Độ.
VASEP khuyến nghị các đơn vị xuất khẩu tôm Việt Nam cần lưu ý về khả năng Trung Quốc sẽ kiểm tra khắt khe hơn về dịch bệnh trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó, có thể không chỉ kiểm tra tôm sống và các dạng sản phẩm khác như ướp lạnh, đông lạnh.
Vì vậy, ngành tôm Việt Nam cần chủ động trong việc kiểm soát, quan trắc dịch bệnh như chú trọng môi trường ao nuôi, con giống, dinh dưỡng…, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong sản phẩm xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác.
Quý II/2020, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt hơn 157 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam.
Nửa đầu năm 2020, tôm chân trắng chiếm hơn 39% trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang Trung Quốc, theo sau là tôm sú với gần 33% và phần còn lại là tôm biển.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập gần 340.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh, trị giá xấp xỉ 2 tỷ USD.
Trong đó, Ecuador, nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 2/3 lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6) đã xuất sang Trung Quốc 50.000 tấn tôm, tăng 72% so với tháng 05/2020.
Ấn Độ, nguồn cung lớn thứ hai của Trung Quốc, cung cấp 14.500 tấn tôm (tương đương lượng xuất trong tháng 5) và Thái Lan, Việt Nam, Argentina là các nguồn cung tôm lớn tiếp theo cho Trung Quốc, mỗi nước cung cấp khoảng 2.400-2.500 tấn.
Còn tại thị trường Mỹ, nửa đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ từ Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung từ các quốc gia này đang phải chịu tác động nặng nề, bởi đơn hàng giảm cũng như hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do không đi làm vì lo ngại nhiễm bệnh.
Dù vậy, VASEP dự báo, trong quý III/2020, tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ không cao bằng quý II/2020 do Ấn Độ và Ecuador chuyển hướng tăng xuất khẩu sang Mỹ bởi đang gặp khó ở thị trường Trung Quốc như đã nêu trên.
Các nhà xuất khẩu từ hai quốc gia này đều lên phương án hạ giá bán trên thị trường Mỹ để hấp dẫn các nhà nhập khẩu.
Kéo theo đó, tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, VASEP đánh giá phương án hạ giá bán sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các nhà cung cấp Ấn Độ, Ecuador về lâu dài và đây chỉ là giải pháp tình thế.
Phía nhà cung cấp Ecuador còn lúng túng trong việc đóng gói sản phẩm đúng quy cách để phục vụ ngành bán lẻ như các gói tôm đông lạnh từ 2-5 kg phục vụ nhà hàng hiện phải chuyển đổi thành tôm lột vỏ, bỏ chỉ lưng đóng túi 1-2 pound (0,45-0,9 kg) để phục vụ bán lẻ.
Do đó, với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 được VASEP dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.