Năm người đòi VKS bồi thường hơn 6 tỉ đồng

Sau 12 lần mở phiên xử sơ thẩm và một lần đổi tội danh, năm công dân được đình chỉ điều tra nhưng không cơ quan nào thừa nhận đã làm oan.

Sắp tới, TAND tỉnh Tuyên Quang sẽ đưa ra xét xử vụ năm công dân đòi VKSND tỉnh này bồi thường hơn 6 tỉ đồng vì cho rằng họ bị truy tố oan. Các nguyên đơn gồm ông Bàn Văn Thái (45 tuổi), Bàn Văn Tiếp (33 tuổi, con nuôi của ông Thái), Đặng Văn Quang (35 tuổi), Đặng Văn Tuyên (24 tuổi) và Đặng Việt Sơn (27 tuổi).

Đây là năm nhân vật trong “kỳ án” giết người tại Tuyên Quang, được đình chỉ bị can sau một thời gian dài giam giữ.

Bị bắt vì một lá đơn nặc danh

Theo hồ sơ, tháng 7-2012, ông Đặng Văn Cường (trú tại xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, năm công dân trên lần lượt bị Công an huyện Hàm Yên bắt, khởi tố về tội giết người và chuyển vụ án lên Công an tỉnh Tuyên Quang.

Không lâu sau, cả năm người bị VKSnd tỉnh Tuyên Quang truy tố. Cáo trạng xác định vào tối 14-7-2012, năm người đã dùng gậy, tay, chân đánh nhầm ông Cường khiến ông tử vong. Hồ sơ mô tả: Để che giấu, cả nhóm thống nhất đưa nạn nhân lên đồi. Quang gợi ý để nạn nhân chết hẳn bằng việc cho uống thuốc diệt cỏ.

Cả nhóm phân công nhau về lấy thuốc rồi đổ vào miệng, lấy dao cắt cổ tay nạn nhân, trộn thuốc với cơm nguội rắc xung quanh nhằm tạo hiện trường giả một vụ tự tử. Chiều hôm sau, ông Cường tỉnh dậy, về nhà tắm rửa rồi lên giường nằm ngủ. Rạng sáng 16-7-2012, vợ ông Cường phát hiện chồng mình đã chết.

Trải qua 12 lần xét xử sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, cho rằng lời nhận tội tại CQĐT là do bị điều tra viên mớm cung, ép cung, bức cung. TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung rất nhiều lần.

Đến tháng 3-2015, CQĐT công an tỉnh chuyển sang khởi tố năm người về tội cố ý gây thương tích và ba ngày sau hoàn tất kết luận điều tra về tội này.

Tại kết luận điều tra mới, hành vi phạm tội của các bị can đã có sự thay đổi. Theo đó, khi phát hiện đánh nhầm người, tất cả bỏ về vì sợ bị phát hiện chứ không bàn bạc giết nạn nhân như giai đoạn tố tụng trước đó.

Tiếp đó, CQĐT công an tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với cả năm công dân, lý do là bởi vợ nạn nhân rút đơn yêu cầu khởi tố. Từ đây cả năm người liên tục gửi đơn thư, gõ cửa các cơ quan tố tụng để kêu oan nhưng không được chấp nhận.

VKSND tỉnh thì có công văn trả lời năm công dân rằng họ không bị làm oan vì được đình chỉ do phía nạn nhân rút đơn tố cáo…

Ba trong năm người kiện VKSND tỉnh (từ trái qua: Đặng Việt Sơn, Đặng Văn Quang, Bàn Văn Thái). Ảnh: TP

Ba trong năm người kiện VKSND tỉnh (từ trái qua: Đặng Việt Sơn, Đặng Văn Quang, Bàn Văn Thái). Ảnh: TP

Hàng loạt sai phạm tố tụng

Tháng 8-2015, đoàn liên ngành (gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam) giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong vụ án.

Theo báo cáo, vụ án có rất nhiều sai phạm về mặt tố tụng. Điển hình là ngoài những lời khai nhận tội mâu thuẫn của năm bị can, không có bất cứ tài liệu nào khác chứng minh ai cắt tay nạn nhân, ai cầm túi nylon hứng máu… như CQĐT và VKS mô tả trong hồ sơ.

“Việc CQĐT công an tỉnh, VKS tỉnh căn cứ vào duy nhất lời nhận tội mâu thuẫn của các bị can để buộc tội họ là chưa đúng với khoản 2 Điều 172 BLTTHS” - báo cáo nêu.

Đáng chú ý, làm việc với đoàn giám sát, đại diện TAND tỉnh Tuyên Quang khẳng định tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận năm bị can phạm tội giết người.

Đại diện công an tỉnh thì thừa nhận sau nhiều lần điều tra bổ sung, đến lần thứ năm, căn cứ vào kết quả điều tra xác định chưa có cơ sở vững chắc kết luận năm bị can phạm tội giết người. Dù vậy, có cơ sở xác định các bị can phạm tội cố ý gây thương tích với tỉ lệ tổn hại sức khỏe khoảng 6%.

Tuy nhiên, đoàn giám sát vẫn cho rằng việc CQĐT công an tỉnh chuyển sang khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội cố ý gây thương tích là không có cơ sở. Trong đó không có nhân chứng trực tiếp nào chứng kiến việc các bị can gây thương tích cho nạn nhân.

Ngoài ra, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh nêu tỉ lệ tổn hại sức khỏe 6% chỉ mang tính chất nhận định nếu nạn nhân còn sống, để lại sẹo, trong khi nạn nhân đã chết. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng khẳng định không có cơ sở xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.

Như vậy, không có bản kết luận giám định nào trong hồ sơ kết luận tỉ lệ tổn hại phần trăm sức khỏe của nạn nhân là bao nhiêu.

54 bản cung không có giá trị

Theo đoàn giám sát, nhận thức và đánh giá chứng cứ của cán bộ điều tra, kiểm sát viên trong vụ án này chưa đầy đủ, chưa toàn diện, dẫn đến nhiều vi phạm, yếu kém trong quá trình tố tụng.

Ví dụ, trong tổng số 44 bản cung mà CQĐT đã tiến hành với năm bị can thì chỉ có tám bản cung có sự tham gia của người bào chữa nhưng người bào chữa không phải luật sư mà lại là trợ giúp viên pháp lý.

Chỉ đến khi TAND, VKS tỉnh yêu cầu, CQĐT mới làm thủ tục đề nghị đoàn luật sư tỉnh cử luật sư bào chữa chỉ định cho năm bị can. Tuy vậy, trong 35 bản cung sau đó thì cũng chỉ có 17 bản cung có sự tham gia của luật sư, một bản cung có sự tham gia của đại diện hợp pháp của bị can Đặng Văn Tuyên.

Như vậy, hồ sơ vụ án có tổng cộng 54 bản cung không có sự tham gia của luật sư nên không có giá trị pháp lý.

Một điểm khác, TAND tỉnh trả hồ sơ ba lần yêu cầu điều tra bổ sung, vượt quá số lần tòa được trả hồ sơ theo khoản 2 Điều 121 BLTTHS. Điều này thể hiện sự cẩn trọng của TAND tỉnh trong việc xét xử vụ án nhưng hậu quả của việc trả hồ sơ nhiều lần làm cho các bị cáo bị kéo dài thời gian tạm giam một cách không thỏa đáng…

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nam-nguoi-doi-vks-boi-thuong-hon-6-ti-dong-869413.html