Nắm rõ các điều kiện này, người mua nhà ở xã hội sẽ được hưởng giá ưu đãi bất ngờ
Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, đối tượng nào được vay vốn ưu đãi và đáp ứng các điều kiện gì?
Những đối tượng được vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội từ gói 120.000 tỷ đồng
Tại Khoản 2.1, Điều 2 Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 của Bộ Xây dựng "Về việc hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư" quy định đối với đối tượng cá nhân như sau:
- Trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp) theo quy định tại Khoản 1, Điều 50 Luật Nhà ở 2014, theo đó đối tượng được vay vốn là các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 49 của Luật Nhà ở:
+ Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
+ Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
+ Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.
+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
+ Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại Khoản 5, Điều 81 của Luật Nhà ở 2014.
+ Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
- Trường hợp mua nhà ở tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cụ thể là: chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí tái định cư mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
Những đối tượng nêu trên được vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội theo Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng.
Điều kiện để được vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mua nhà ở xã hội
Bên cạnh việc phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo pháp luật về tín dụng thì các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng về phát triển nhà ở xã hội còn phải đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện sau:
- Đối với đối tượng là cá nhân:
+ Trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư.
+ Đối với đối tượng được bố trí nhà ở tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua nhà ở, công trình tái định cư theo quy định pháp luật.
- Đối với đối tượng là chủ đầu tư dự án:
+ Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật; đã có quyết định giao đất hoặc có quyền sử dụng đất đồng thời đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc thuộc trường hợp được miễn cấp phép theo quy định pháp luật về xây dựng.
+ Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: đã có chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước; các thông tin khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Vay vốn mua nhà ở xã hội phải chịu mức lãi suất bao nhiêu?
Tại Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Khoản 10, Điều 1 của Nghị định 49/2021/NĐ-CP là 4,8%/năm.
Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Quyết định 486/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/12/2024.
Đến ngân hàng nào để vay tiền mua nhà ở xã hội?
Tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Tại Công văn 2308/NHNN-TD, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank khẩn trương triển khai gói vay từ ngày 01/04/2023 đến người dân.
Còn các ngân hàng thương mại khác khi tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ này thì cần có văn bản báo cáo Ngân hàng nhà nước về việc tham gia và gửi văn bản đăng ký khai thác thông tin về gói vay cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.
Do đó, để được giải quyết vay vốn kịp thời để mua nhà ở xã hội, người dân có thể tìm đến các chi nhánh của một trong 4 ngân hàng sau sau: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân cần cân nhắc và liên hệ sớm với các ngân hàng bởi thời hạn giải ngân của gói vay bị giới hạn đến doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng và không quá ngày 31/12/2030.
Chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được thực hiện dựa trên các nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 52 Luật Nhà ở 2014 quy định về nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:
+ Có sự kết hợp giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách.
+ Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cộng đồng dân cư.
+ Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
+ Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì đối tượng là người khuyết tật, nữ giới được ưu tiên hỗ trợ trước.
+ Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
Hồ sơ đề nghị mua nhà ở xã hội được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 16, Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP) quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội nhưng chưa được hưởng phải chuẩn bị hồ sơ với các giấy tờ như sau:
– Đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở theo mẫu số 01.
– Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được mua nhà.
– Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú.
– Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú.
– Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập.
Thủ tục mua nhà ở xã hội mới nhất được quy định như thế nào?
Bước 1: Nộp hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định thì người có nhu cầu nộp hồ sơ cho chủ đầu tư.
Người nhận hồ sơ phải ghi giấy biên nhận, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì người nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi rõ lý do chưa giải quyết và trả lại cho người nộp hồ sơ để thực hiện việc bổ sung, hoàn thiện.
Bước 2: Giải quyết yêu cầu.
Thời hạn vay vốn để mua nhà ở xã hội là bao lâu?
Theo quy định, thời gian được vay vốn ưu đãi tối thiểu là 15 năm; bắt đầu từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Với những khách hàng muốn vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì có thể thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn muốn vay cụ thể.
Mức vay vốn tối đa để mua nhà ở xã hội là bao nhiêu?
Theo quy định, trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà.