Năm tác động kinh tế quan trọng nhất từ kết quả bầu cử Tổng thống tại Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 sẽ có những tác động kinh tế sâu rộng, từ cách người Mỹ bị đánh thuế cho đến cách nước này giao thương với phần còn lại của thế giới.

Ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris và ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đưa ra những tầm nhìn chính sách hoàn toàn khác nhau trong việc định hình dòng người nhập cư vào thị trường lao động Mỹ hay nguồn cung năng lượng cho ngành công nghiệp. Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng đến mức giá mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa hàng ngày và chi phí đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Phần lớn các chính sách của Mỹ sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng mà còn phụ thuộc vào đảng nào kiểm soát Quốc hội. Điều đó đặc biệt đúng đối với những đề xuất về thuế, vốn phải được các nhà lập pháp chấp thuận. Tuy nhiên, Tổng thống có thẩm quyền độc lập để ban hành nhiều quy định, đặc biệt là về thương mại và nhập cư.

Dưới đây là năm tác động kinh tế quan trọng nhất của kết quả bầu cử:

Thuế

Ông Trump đã đặt việc giảm thuế thu nhập lên hàng đầu và trung tâm trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông cam kết sẽ gia hạn các đợt cắt giảm thuế đã được thông qua trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và sẽ hết hạn vào cuối năm sau, và cũng sẽ giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông đã đưa ra những ý tưởng bổ sung về việc cắt giảm thuế, bao gồm chấm dứt đánh thuế tiền tip, lương làm thêm giờ và phúc lợi an sinh xã hội. Ông tuyên bố tổn thất doanh thu sẽ được bù đắp một phần bằng việc áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu.

Thương mại

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cú sốc tiềm tàng lớn nhất đối với hoạt động thương mại sẽ đến từ kế hoạch tăng mạnh thuế quan của ông Trump nhằm buộc các doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Mỹ. Đảng Cộng hòa đã kêu gọi áp mức thuế tối thiểu 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, tăng lên 60% hoặc cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bloomberg Economics dự báo nếu mức thuế chung là 20%, GDP của Mỹ giảm 0,8% và lạm phát tăng thêm 4,3% vào năm 2028 nếu chỉ riêng Trung Quốc có hành động đáp trả. Nếu phần còn lại của thế giới cũng có hành động phản ứng, GDP của Mỹ sẽ giảm 1,3% nhưng sẽ chỉ khiến lạm phát tăng thêm 0,5% do nền kinh tế Mỹ suy yếu.

Bà Harris đã nói đến khả năng sẽ tiếp tục các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Joe Biden và cũng cảnh báo các đề xuất của ông Trump chung quy sẽ là đánh “thuế tiêu thụ quốc gia” đối với người tiêu dùng.

Nhập cư

Ông Trump đã cam kết sẽ trục xuất số người nhập cư trái phép lớn nhất trong lịch sử, một động thái sẽ ngay lập tức tác động đến các lĩnh vực như xây dựng, khách sạn và bán lẻ vốn phụ thuộc nhiều vào người nhập cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp, ở nước này. Các nhà kinh tế cho rằng động thái này sẽ gây xáo trộn thị trường lao động, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và tiêu tốn hàng tỷ USD để thực hiện.

Năng lượng

Ông Trump cam kết sẽ cắt giảm quy định về sản xuất dầu, khí đốt tự nhiên và than, đồng thời cung cấp thêm đất liên bang để sản xuất nhiên liệu hóa thạch, cho rằng điều đó sẽ làm giảm chi phí. Cựu Tổng thống cũng cho biết ông sẽ chấm dứt các chính sách của chính phủ hiện nay trong việc trợ cấp để thúc đẩy sản xuất năng lượng xanh.

Trong khi đó, bà Harris hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Phó Tổng thống đã cam kết giảm chi phí năng lượng cho các hộ gia đình nhưng chương trình nghị sự của bà là giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua năng lượng sạch và bảo vệ đất công.

Thâm hụt ngân sách

Lê Minh (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-tac-dong-kinh-te-quan-trong-nhat-tu-ket-qua-bau-cu-tong-thong-tai-my/352342.html