Năm tháng không quên của 'dũng sỹ tí hon'

Chúng tôi đến nhà dũng sỹ diệt Mỹ - Hồ Quảng Thu khi ông đang xem một thước phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên ông, chúng tôi được nghe về những năm tháng hào hùng, ký ức không thể quên khi ông được gặp Bác Hồ…

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Quảng Nam, “ngọn lửa” đấu tranh trong cậu thiếu niên Hồ Quảng Thu rực cháy khi thấy cha bị quân địch tra tấn dã man, người anh thứ 4 hy sinh.

13 tuổi, Hồ Quảng Thu nối bước cha và những người anh tham gia đội quân giải phóng với vai trò giao liên, đánh mìn. Từ năm 1965 – 1968, cuộc đấu tranh của đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng mạnh mẽ. Tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng tình hình thay đổi phức tạp, ác liệt hơn. Đã xuất hiện những chiến sĩ diệt Mỹ quả cảm, trong đó, có chiến sĩ “tí hon” Hồ Quảng Thu với 59 lần diệt Mỹ, 9 lần được phong dũng sỹ diệt Mỹ và trở thành một trong 9 chiến sĩ diệt Mỹ “tí hon” của miền Nam đầu tiên được gặp Bác Hồ.

Ông Hồ Quảng Thu bên bức ảnh vinh dự được Bác Hồ tặng hoa

Ông Hồ Quảng Thu bên bức ảnh vinh dự được Bác Hồ tặng hoa

Năm 1968, khi mới 16 tuổi, ông Thu cùng 8 thiếu niên khác trong đoàn Anh hùng dũng sỹ miền Nam, tất cả đều dưới 17 tuổi, nhận lệnh ra miền Bắc “công tác, học tập”.

Ông Thu nhớ lại, ròng rã hơn 2 tháng đi bộ men theo dãy núi Trường Sơn, có những lúc tưởng bỏ mạng, nhưng cứ nghĩ đến ra miền Bắc - nơi đó có Bác Hồ - chúng tôi lại thấy như khỏe lại. Đến Hà Nội được 10 ngày, chúng tôi cũng không biết được gặp Bác. Tối ngày 20/12/1968, các chú ở Ban Thống nhất Trung ương bảo là các cháu mặc áo ấm vào rồi có xe đến đón, chuẩn bị đi công tác. Xe chở đến Hội trường Ba Đình nơi diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 8 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Bác Phạm Văn Đồng đọc diễn văn khai mạc xong thì giới thiệu “đoàn dũng sỹ tí hon” lên gặp Bác Hồ. Lúc đó, chúng tôi mới biết sẽ được gặp Bác. Bác tươi cười vẫy chúng tôi. Mừng quá, chúng tôi ùa lên để được ôm Bác. “Tôi được Bác tặng bông hồng. Đó là bông hoa đẹp nhất đời tôi”, ông Thu xúc động.

Thong thả, ông Thu kể tiếp, khi còn ở Quảng Nam, được nghe các anh, các chú bộ đội lớn hơn kể về Bác Hồ, ông hình dung Bác là một người vĩ đại, “một vị thánh”. Khi tận mắt được nhìn thấy Bác Hồ, được ôm Bác, tôi mới thấy Bác giản dị quá.

Bác dặn “các cháu về điều trị bệnh, ăn no, phải cố gắng học rồi Tết Bác gọi lên”. Đúng lời hẹn, dịp Tết năm đó (1969), Bác Hồ cho gọi đoàn dũng sỹ miền Nam lên và cùng dự đón đoàn Cuba. Lúc đó tôi đang bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, phải nằm bệnh viện, không thể đi được, đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc nuối, bởi đó là lần cuối cùng đoàn được gặp Bác.

Sau lần đó, đoàn dũng sỹ miền Nam 34 người (của nhiều đợt sau nữa) được Cục Chính trị gửi về Hải Dương và được 17 giáo viên giảng dạy, đào tạo. Ông Thu là 1 trong 3 người đỗ đại học quân sự.

Tốt nghiệp đại học, cũng là khi đất nước được giải phóng, ông Thu tiếp tục làm việc trong quân đội, rồi làm việc cho ngành điện, ở nhiều vị trí khác nhau ông Thu vẫn một mực ghi nhớ lời dạy của Bác.

“Tôi nhớ như in Bác Hồ đã nói với đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị là các cháu miền Nam nhỏ mà đánh giặc giỏi. Không được đi học vì chiến tranh cho nên các chú đưa vào quân đội đào tạo, sau này xây dựng đất nước. Chỉ một câu đó thôi mà khi tôi là lãnh đạo một đơn vị lớn, tôi luôn tự hào vì mình đã giữ được đạo đức trong sáng”, ông Thu chia sẻ.

Bây giờ, khi đã chạm ngưỡng tuổi 70, ông Thu và 23 “dũng sỹ tí hon” ngày ấy giờ đều đã nghỉ hưu, mỗi người có một cuộc sống riêng nhưng họ vẫn giữ liên lạc với nhau. 2 năm một lần, họ tổ chức gặp mặt để cùng về thăm lại tất cả những nơi lưu dấu ấn với Bác Hồ, để sống lại những ký ức đẹp, và truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-thang-khong-quen-cua-dung-sy-ti-hon-137506.html