Nam Trung Bộ khẩn trương sơ tán dân, neo thuyền tránh bão số 9
Đối phó với bão số 9, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu trước 16h30 phút ngày 27/10, các ngành, địa phương hoàn thành phương án sơ tán người dân vùng xung yếu.
Chủ động ứng phó với bão số 9, trong chiều và tối 26/10, các địa phương ở Nam Trung bộ khẩn trương rà soát các hộ dân trong vùng nguy hiểm, lên phương án sơ tán dân trước 18h ngày 27/10. Các tỉnh, thành phố huy động nhiều lực lượng hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa, công trình…, đưa tàu thuyền vào khu vực kín gió tránh bão.
Đối phó với bão số 9, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu trước 16h30 phút ngày 27/10, các ngành, địa phương hoàn thành phương án sơ tán người dân vùng xung yếu. UBND thành phố yêu cầu tổ chức trực ban liên tục, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ… để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp. Trước mắt, chúng tôi tiến hành di dân ra khỏi vùng nguy hiểm và đi kiểm tra tất cả các công trình, hồ đập, tháo dỡ những trụ ăng ten những cần cẩu có thể gây nguy hiểm, để phòng, chống cơn bão số đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân".
Xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nằm dọc bờ biển. Đây là nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Chính quyền và người dân đang khẩn trương chằng chống nhà cửa.
Ông Huỳnh Đức, trú thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ chiều 26/10, gia đình đã đưa thuyền vào sâu ven sông Trường Giang để neo đậu. Neo thuyền xong ông mua thêm dây, bao tải đựng cát chằng lên mái nhà chống bão.
“Nghe thông báo nên tôi chuẩn bị trước, chứ để ghe ngoài đó bịt lạch thì chạy vào không được, nếu có gió lớn thì giữ không được. Đưa ghe vào trong khu vực gần bờ an toàn và không sợ, nếu ghe có chìm xuống thì cũng còn đó chứ không hao của" - ông Đức chia sẻ.
Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống lụt bão với các địa phương sáng 26/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Tỉnh này yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy điện, hồ chứa căn cứ thực tế có phương án vận hành hợp lý, đảm bảo an toàn.
Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, trên đảo Cù Lao Chàm, đơn vị đã phối hợp với địa phương làm công tác chuẩn bị để sơ tán 130 hộ dân. Ngay sáng 26/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã họp và triển khai phân công các đồng chí trong bộ chỉ huy đi kiểm tra ở tất cả đơn vị trên biển".
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân đánh bắt trên biển đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão số 9 và đang di chuyển về các điểm neo đậu, tránh trú bão. Chiều 26/10, đã có gần 1.200 tàu cá vào neo đậu tại các khu tránh trú bão, các cảng cá trong tỉnh. Tất cả các tàu sau khi neo đậu đều được yêu cầu không để ngư dân ở lại tàu trước khi bão đổ bộ.
Ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đến 7h sáng 27/10 các địa phương phải hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú, neo đậu an toàn và yêu cầu ngư dân rời tàu trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
“Ngành nông nghiệp chỉ đạo Ban quản lý các cảng cá, Chi cục thủy sản, tổ chức đối với tàu thuyền còn ở bên ngoài khơi chưa vào còn khoảng 30 chiếc thì chúng tôi cùng với Biên phòng, người nhà tổ chức kêu gọi tàu nhanh chóng vào bờ, muộn nhất là sáng 27/10 phải vào. Đối với các cảng cá, chỉ đạo ban quản lý cảng cá cùng với ngư dân sắp xếp tàu thuyền một cách nhanh gọn, hạn chế đến mức thấp nhất đã vào khu neo đậu nhưng xảy ra va đập làm hư hỏng" - ông Hồ Trọng Phương cho biết.
Chiều 26/10, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với bão số 9. Hiện các tàu cá đánh bắt trên biển đang trên đường di chuyển vào bờ tránh bão. 165 hồ chứa trong tỉnh đã chủ động hạ thấp mực nước, hạn chế tích nước để chuẩn bị đón lũ.
Ông Hồ Quốc Dũng, yêu cầu từ ngày 27/10 dừng tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão và bố trí lực lượng ứng trực 24/24. "Khi bão xảy ra không để bất cứ thuyền viên nào trên tàu, kể cả tàu cá và tàu hàng. Các lực lượng chức năng không làm được phải chịu trách nhiệm. Trường hợp nào không vào thì thành lập tổ công tác cưỡng chế. Lồng bè ngày 27/10 cũng phải vào đất liền. Đề nghị vào cuộc quyết liệt, cương quyết vì tính mạng của dân và vì trách nhiệm của địa phương".
Tại tỉnh Phú Yên, kiểm tra công tác ứng phó bão tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và khu vực nuôi trồng thủy sản, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, hướng dẫn bà con nhân dân nhấn chìm lồng bè và sớm vận động nhân dân vào bờ tránh bão. Tại vịnh Xuân Đài hiện có trên 1.800 bè với gần 60.000 lồng còn tôm.
Ông Phạm Đại Dương yêu cầu mọi công tác triển khai ứng phó bão phải đảm bảo hoàn thành trước 18h ngày 27/10. Hiện nay cơ bản lồng bè và tàu cá của tỉnh ở trên địa bàn đã được thông báo và di chuyển vào bờ. Dự kiến 18h chiều 27/10 sẽ vào hết nơi an toàn. Nếu người dân ở lại trên lồng bè thì cưỡng chế, tuyệt đối không để ở lại trên bè, gây nguy hiểm./.