Nằm viện giữa ngày dịch
Một cú trượt chân té ngã nhẹ nhàng, nhưng hậu quả quá nặng nề. Tôi bị gãy xương đùi! Vậy là trong khi mọi người ở nhà, tránh tụ tập nơi đông người, tôi lại phải vào nơi nhiều người lui tới. Mặc dù, cơ sở y tế đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tích cực, nhưng cứ ai khục khặc ho khan, cả phòng lại một phen hoảng loạn!
1. Trời se lạnh, chiếc taxi đưa tôi vào cấp cứu ở Bệnh viện ITO Sài Gòn. Vô tình hay hữu ý, chiếc xe dừng ngay lằn vạch đỏ. Trong ánh sáng vằng vặc của mấy cái đèn bảo vệ, tôi kịp đọc dòng chữ nhạy cảm “Lối đi khám bệnh dành cho bệnh nhân nghi bị nhiễm sốt”. Tôi được các nhân viên của bệnh viện dìu qua băng ca. Trên đường vào phòng cấp cứu, các nhân viên đã đo thân nhiệt cho tôi… Dù đã đo thân nhiệt rồi, nhưng trong lúc đưa tôi đi thực hiện các xét nghiệm và thủ tục nhập viện, ngoài việc hỏi nguyên nhân té ngã, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn hỏi tôi đã đi đến những đâu trong thời gian vừa qua, có bị sốt, ho hay không…
Phòng cấp cứu bệnh viện không rộng lắm. Có 2 bệnh nhân khác cũng đang chờ thủ tục nhập viện. Gần 2 giờ sáng, không gian im ắng. Bỗng nhiên, tôi nghe tiếng ho khan ở đâu đó vọng lại. Tôi chồm ngồi dậy tìm kiếm. Bác sĩ Phan Châu Khoa vội bước đến vuốt vuốt lưng và hỏi: “Chú bị đau ở đâu à?”. “Không!”. Bằng sự nhạy bén của thời điểm nhạy cảm, bác sĩ Khoa liền trấn an: “Phòng cấp cứu vừa tiếp nhận một ca chuyển viện. Bệnh nhân có thân nhiệt bình thường, phim X quang thể hiện phổi chưa bị tổn thương, nhưng do trời lạnh, nên có ho húng hắng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cho cách ly ở phòng ngoài. Chú yên tâm nha!”.
2. “Ông, bà ho lâu chưa?”. Khi phát hiện bệnh nhân ho húng hắng, hình như đó là câu hỏi đầu tiên của bác sĩ, nhân viên y tế ở tất cả các phòng mà tôi đã được đẩy qua. Sau khi giải phẫu bắt nẹp vít đầu xương đùi, tôi được các điều dưỡng đưa về Khoa Hồi sức tích cực. Sau một ngày được tiếp máu, thuốc, nước biển… theo dõi các biến chứng, tôi được điều dưỡng đưa về Phòng 700, khu lưu trú bệnh nhân.
Thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, phòng lưu trú được vệ sinh, khử khuẩn 2 lần mỗi ngày. Việc tiêu độc, khử trùng khá tập trung. Ngoài lau sàn, các nhân viên tạp vụ còn lau cửa và tay nắm.
Như một thói quen mới, vừa đẩy cửa bước vào phòng hay từ phòng vệ sinh bước ra, ai nấy đều dừng lại ở ngay cửa phòng, nơi đặt chai gel rửa tay. Sau này, khi tập đi ngoài hành lang, tôi đã bắt gặp cả chục chai gel rửa tay được nhân viên bệnh viện đặt dọc lối đi. Dù bệnh viện chưa quy định, nhưng phần đông người nuôi bệnh, thăm bệnh đều đeo khẩu trang kín mít. Điều này có gây không ít khó khăn trong giao tiếp, nhưng biết sao được, khi đây là một trong những giải pháp phòng vệ hữu hiệu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo!
Khu lưu trú ồn ào, náo nhiệt hơn Phòng Chăm sóc đặc biệt, hồi sức tích cực. Chỉ trong vòng vài giờ “nhập phòng”, bệnh nhân và người nuôi bệnh đã thân thiết, xem nhau như người nhà. Ngoài sự chăm sóc, quản lý của các bác sĩ, điều dưỡng… bệnh nhân còn được sự quan tâm đặc biệt của những người cùng phòng. “Nhất cử, nhất động” của bệnh nhân đều được mọi người dõi theo. Thậm chí, trong ngày đầu tiên chưa được phép di chuyển, mọi sinh hoạt đều ở tại giường bệnh, mọi người cũng quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt là các bệnh nhân mới, chờ mổ. Dù các điều dưỡng đã dặn dò kỹ lưỡng, nhưng mọi người đều hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh thân thể, mặc áo mổ hay nhắc nhở không ăn, uống trong thời gian chờ phẫu thuật…
Cả thế giới đang lo âu vì dịch, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng, muôn đời nay, “Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh!”. Như một quy luật, hơn 21 giờ, nếu không còn khách đến thăm bệnh thì chúng tôi tắt đèn. Căn phòng được chiếu sáng bởi một cái đèn ngủ màu vàng. Tuy nhiên, đến khoảng 3 giờ sáng, cửa phòng bật mở, đèn bật sáng. Một bà già nhỏ thó, người đen đúa, nét mặt đau khổ, ngồi ngoẹo đầu trên chiếc xe lăn. Cánh tay phải của bà bị nẹp chặt bởi một bó cây. Người nhà bệnh nhân cùng điều dưỡng lục tục kéo giường cho bà nằm nghỉ. Bà nằm rên ư ử, rồi húng hắng ho. Các ánh mắt ngái ngủ bỗng nhiên sáng rực và đổ dồn về phía bà già. Chị Hai, một người nuôi bệnh, nhanh chóng đẩy cửa bước ra khỏi phòng bệnh. Lát sau, chị quay vào trên tay cầm mấy cái khẩu trang phát cho mọi người. Vài phút sau, bác sĩ trực bước vào và nói rõ to: “Bệnh nhân và người nhà yên tâm, chúng tôi đã đo thân nhiệt và chụp hình phổi. Bà cụ nhập viện từ một địa phương chưa phát sinh dịch bệnh và bị ho do nhiễm lạnh!”.
Ông Nguyễn Công Lượng, 48 tuổi (thường trú huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), cho biết: “Bà cô ruột của tôi năm nay 77 tuổi. Bà không có chồng, con và sống chung với vợ chồng tôi. Đêm qua, bà bị té ngã gãy tay và tôi đưa bà về đây điều trị. Tôi cảm nhận nơi đây khá an toàn, vệ sinh sạch sẽ và rất yên tâm, tin tưởng với việc điều trị ở đây!”.
3. Sự chia sẻ nỗi đau, tận tình hỏi han, chăm sóc không những đến từ bác sĩ, điều dưỡng, người nhà bệnh nhân mà còn từ các bệnh nhân, những người vừa trải qua đợt phẫu thuật. Một sáng đầu tuần qua, bà Bích Vân, 61 tuổi (thường trú đường Trần Xuân Soạn, quận 4, TPHCM) được đưa về Phòng 700 chờ mổ. Mặc dù có rất đông người thân đi cùng, nhưng sắc mặt của bà Vân rất xanh xao, ánh mắt buồn buồn.
Tôi liền hỏi: “Chị phẫu thuật tay hay chân?”. Bà Vân hắt một hơi thở dài và nói giọng đứt quãng: “Tôi thay khớp gối chú à! Hồi nào đến giờ khỏe khoắn, chưa nằm viện, thế mà nay lại chuẩn bị phẫu thuật, nên sợ và hồi hộp quá!”.
Vừa từ phòng hồi sức đặc biệt trở về, tôi quá quen thuộc với tâm trạng, cảm giác đó. Tôi vội trấn an: “Tôi vừa phẫu thuật xong nên tôi xin chia sẻ với nỗi lo của chị. Sợ, hồi hộp là hẳn nhiên rồi, nhưng tôi đảm bảo với chị là sẽ không đau đớn gì cả. Từ lúc gây mê cho đến khi phẫu thuật hay về phòng hồi sức… chị đều được các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… chăm sóc nhẹ nhàng, ân cần!”.
Không những chia sẻ nỗi đau mà như một ý thức tự nhiên, chúng tôi còn chung vui và động viên với từng bước đi của bệnh nhân. Nằm kề giường bệnh của tôi là ông Phan Văn Cường, 47 tuổi (quê quán ở huyện Eahleo, tỉnh Gia Lai).
Ông Cường cho biết: “Tôi bị gãy xương ống quyển do tai nạn giao thông. Tôi được phẫu thuật với kỹ thuật đóng đinh xuyên tủy. Sau khi lành bệnh, tôi đi không biết thế nào mà bị gãy đinh xuyên tủy. Hơn 10 tháng, chân bị xiên một bên nên phải đi bằng nạng gỗ. Các bác sĩ đã phẫu thuật và đóng đinh lại cho tôi”.
Sáng vừa rời phòng hồi sức, trở về Phòng 700, buổi chiều kỹ thuật viên vật lý trị liệu đến tận giường hướng dẫn ông Cường tập đi bằng cặp nạng. Vừa đi được vài bước, bỗng nhiên bác sĩ Nguyễn Thành Chơn, người trực tiếp phẫu thuật cho ông Cường, từ ngoài cửa đi nhanh vào.
Bác sĩ Chơn giằng lấy cặp nạng của ông Cường và nói rất dứt khoát: “Ai cho ông tập đi bằng nạng! Đi như vậy, ông sẽ ỷ lại và không chịu tập luyện đúng kỹ thuật. Ông phải tin tưởng bác sĩ phẫu thuật cho mình chứ!”. Bác sĩ Chơn đỡ ông Cường đứng thẳng, nắn nắn thắt lưng và nói: “Ông thẳng lưng lên! Bước nhẹ cái chân vừa mổ trước. Rồi bước tiếp chân không đau!”. Mặc dù có bác sĩ Chơn ở phía sau, nhưng chỉ được bước đầu tiên thì ông Cường lại khom xuống, lủi người về phía trước. Đi được vài bước, ông Cường dừng lại đưa tay quệt mồ hôi trên trán và thở hổn hển.
Cứ mỗi lần ông Cường tập đi, chúng tôi lại động viên đi thẳng lưng, bước mạnh đi. Sau vài lần tập đi vòng vòng trong phòng, ông Cường đã mạnh dạn bước ra hành lang và gần một giờ đồng hồ sau mới quay trở lại phòng. Chiều xuất viện, ông Cường cứ nấn ná đến các giường bệnh xin số điện thoại và chào tạm biệt mọi người.
“Mừng quá! Tôi không ngờ mình hồi phục nhanh như vậy. Gần một năm qua, vì phải chống nạng khi di chuyển, tôi đã sống trong buồn thảm. Tôi từ chối tham dự tất cả các tiệc tùng, cưới hỏi. Tôi xin cám ơn tất cả mọi người đã chia sẻ, động viên tôi tập luyện đi đứng. Ngày trở về thành phố tái khám, nhất định tôi sẽ dành thời gian đi thăm tất cả anh, chị, em!”.
Cùng với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang ngăn chặn được dịch bệnh lây lan được đánh giá rất hiệu quả. Tôi thầm mỉm cười sau lớp khẩu trang. Không biết mình vui vì sắp được xuất viện hay vì dịch đang được kiểm soát tốt. Chắc cả hai!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nam-vien-giua-ngay-dich-648309.html