Nạn mạo danh bệnh viện ngày càng ngang nhiên và tinh vi

Mặc dù đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều trang mạng xã hội vẫn ngang nhiên mạo danh, sao chép, đăng tải các nội dung từ fanpage chính thức của bệnh viện để kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ trái phép.

Đủ mọi chiêu bài mạo danh bệnh viện, bác sĩ

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) cho biết mặc dù bệnh viện liên tục có cảnh báo về tình trạng mạo danh fanpage, bác sĩ của bệnh viện để kinh doanh các sản phẩm, tư vấn dịch vụ điều trị, làm đẹp, tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều trang giả mạo ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa của trang fanpage chính thức của BV 108.

Một số trang mạng xã hội ngang nhiên mạo danh các bệnh viện.

Một số trang mạng xã hội ngang nhiên mạo danh các bệnh viện.

Cụ thể, các trang mạng này lấy nội dung, hình ảnh từ fanpage của bệnh viện rồi quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, dịch vụ điều trị các bệnh nan y…

Đáng chú ý, sau khi người dùng mạng xã hội bình luận hoặc nhấn vào dòng chữ nhắn tin, các trang này sẽ tự động nhắn tin tới người dùng. Cùng đó yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số điện thoại để được tư vấn trực tiếp, ưu đãi giảm giá dịch vụ, hàng khuyến mại,… Tuy nhiên đây thực chất là hành động lấy thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội.

Tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, nhiều trang mạo danh BV 108 vẫn ngang nhiên tồn tại. Cụ thể, trang có tên "Viện Quân y 108" đã lấy hình ảnh và khẳng định đây là trang chính thức BV 108. Sao chép bài viết trên trang fanpage chính thức của BV 108 đăng tải lại trên trang giả mạo.

Trang "Khoa Phẫu Thuật Thẩm Mỹ - Bệnh viện 108 Hà Nội" cung cấp thông tin không chính xác, lấy hình ảnh của thẩm mỹ viện khác đăng tải để quảng cáo.

Trang mạng mạo danh rồi khẳng định đó là trang chính thức của bệnh viện.

Trang mạng mạo danh rồi khẳng định đó là trang chính thức của bệnh viện.

Trang "Viện Quân y Quân đội 108" ngang nhiên chia sẻ bài viết từ trang fanpage chính thức của BV 108. Ngoài ra còn có một số trang lấy tên gọi dễ gây nhầm lẫn và sử dụng trái phép logo, hình ảnh BV 108.

Theo BV 108, những hành vi giả mạo, mượn danh bệnh viện lừa dối bệnh nhân có thể gây ra những rủi ro và thiệt hại về kinh tế. Thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng dịch vụ.

BV 108 khẳng định không cung cấp, tổ chức kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào bằng hình thức trực tuyến. Không cung cấp thuốc tại các cơ sở ngoài địa chỉ Số 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Trước đó, BVĐK huyện Vũ Thư, Thái Bình cũng đã có cảnh báo về việc mạo danh bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện để tư vấn bán thuốc không rõ nguồn gốc qua mạng.

Cụ thể là trường hợp của bà Bà Phạm T. Th. (SN 1960, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) đã bị các đối tượng lừa đảo bán thuốc đau xương khớp qua mạng. Qua điện thoại, đối tượng tự xưng danh là bác sĩ Huyền hiện đang công tác tại BVĐK huyện Vũ Thư. Đối tượng này tư vấn, giới thiệu chương trình ưu đãi khi mua các sản phẩm về đau xương khớp của nhà thuốc Khớp Nam Dược có địa chỉ tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Mỗi lần lấy thuốc, bà Phạm T. Th. phải thanh toán tiền mặt từ 500 nghìn đồng - 2,1 triệu đồng cho người giao hàng. Bà Phạm T. Th. đã mua tổng cộng 5 lần thuốc.

BVĐK huyện Vũ Thư khẳng định bệnh viện không có ai tên là bác sĩ Huyền như đã nêu ở trên. Do đó, đây là hình thức lừa đảo, giả mạo bác sĩ của bệnh viện nhằm mục đích trục lợi.

Cần xử lý nghiêm hành vi mạo danh

Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi mạo danh bệnh viện, bác sĩ để trục lợi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bệnh viện, bác sĩ; quyền và lợi ích của người dân.

Hành vi mạo danh bệnh viện vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 - Luật Công nghệ thông tin năm 2006 về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác và vi phạm điểm n, khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tùy thuộc vào tính chất, hậu quả gây ra, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Hành vi đó cũng vi phạm điểm d, khoản 1 Điều 8 - Luật An ninh mạng năm 2018 về việc sử dụng không gian mạng để đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Gây thiệt hại, khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ. Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 288 - Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật Hình sự 2015; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;…, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;… thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

H.P

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nan-mao-danh-benh-vien-ngay-cang-ngang-nhien-va-tinh-vi-169220325143215788.htm