Nạn nhân bị cưỡng hiếp ở New York: 'Không ai tin tôi cả'
Những vụ hiếp dâm tại Mỹ khó được truy tố và kết án do những rào cản pháp lý cũng như sự hời hợt từ phía công tố viên.
Tháng 7/2017, Cammy Duong tỉnh giấc trong một khách sạn tại Manhattan (New York, Mỹ). Trong cơn choáng váng, cô gọi cho bạn, nghẹn ngào nói: "Tôi nghĩ mình đã bị cưỡng hiếp".
Cuộc điều tra của cảnh sát kéo dài hàng tháng sau đó. Tuy nhiên, khi vụ việc được chuyển tới văn phòng luật sư quận Manhattan, các công tố viên nhanh chóng từ chối khởi kiện.
"Tôi cảm thấy bất lực khi rời khỏi nơi đó. Dường như không ai tin tôi cả", Duong nói với New York Times.
Phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục Me Too đã giúp nâng cao nhận thức về vấn nạn hiếp dâm.
Từ đó, số vụ việc được báo cáo với cảnh sát gia tăng và nhiều người hy vọng kẻ thủ ác sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, tại New York, số liệu và câu chuyện từ những nạn nhân cho thấy có rất ít thay đổi trong cách hệ thống luật pháp xử lý cáo buộc loại tội phạm này.
Công tố viên né tránh
Trong năm 2019, văn phòng luật sư quận Manhattan đã từ chối khởi tố 49% các vụ tấn công tình dục. Con số này tăng 12% so với năm 2017, theo dữ liệu của bang.
Tỷ lệ trên phản ánh khó khăn cố hữu trong việc truy tố tội phạm tình dục, đặc biệt là những trường hợp như của Duong, khi kẻ tấn công không phải người lạ và vụ việc liên quan đến rượu.
Carl Bornstein, cựu công tố viên đang giảng dạy tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, nhận định: "Những vụ tấn công tình dục thường không có nhân chứng bên ngoài. Công tố viên phải đánh giá liệu lý lẽ của họ có đủ thuyết phục với bồi thẩm đoàn không".
Các nhà nghiên cứu cho rằng rằng số lượng lớn vụ án bị bỏ dở cũng phản ánh việc công tố viên không sẵn sàng giải quyết thách thức.
Một số người tìm kiếm công lý như Duong cho biết công tố viên tại Manhattan thường bỏ qua đơn tố cáo. Số khác kể rằng lời khai của họ bị phớt lờ hoặc chỉ trích.
Jane Manning, cựu công tố viên kiêm giám đốc Dự án Công lý Bình đẳng Phụ nữ, cho biết: “Sự cẩu thả của công tố viên là một phần vấn đề. Hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta từ lâu đã không coi trọng nạn hiếp dâm”.
Những phụ nữ tố cáo bị cưỡng hiếp cho biết công tố viên có vẻ kiệt sức, lãnh đạm và trò chuyện với họ như đang thẩm vấn. Một số trường hợp cho thấy trở ngại phức tạp trong việc khởi tố.
Chướng ngại từ hệ thống
Ngày 30/9/2017, một nữ sinh Đại học Fordham (Mỹ) đã uống rất nhiều tại bữa tiệc ở Brooklyn (New York, Mỹ). Hôm đó, cô đã bị cưỡng hiếp bởi một nam sinh: lần đầu trong nhà tắm ở buổi tiệc, lần thứ 2 tại phòng của anh ta.
Sau vụ việc đó, nam sinh trên gọi cho bạn bè, thú nhận đã quay phim và quan hệ với một người phụ nữ khi cô bất tỉnh.
Cuộc gọi đã được ghi âm và gửi đến New York Times.
Nữ sinh đã tố cáo vụ việc, nhưng trong 3 tháng điều tra sau đó, các công tố viên có vẻ nghi ngờ cô. Họ hỏi cô đã uống bao nhiêu rượu và tại sao không chống trả.
Các công tố viên cũng cho rằng tình trạng say xỉn của cô khó có thể được xếp vào danh mục "không có khả năng đồng thuận".
Theo luật của New York và một số bang khác, danh mục trên bao gồm trường hợp say xỉn không tự nguyện, ví dụ như bị bỏ thuốc. Nếu nạn nhân tự nguyện uống rượu, công tố viên phải có bằng chứng cho thấy sự ép buộc hoặc các dấu hiệu của việc từ chối quan hệ tình dục.
Rachel Lesser kể rằng cô đã bị cưỡng hiếp trong phòng khách sạn ở Manhattan bởi bạn trai cũ vào năm 2017. Họ đồng ý dành thời gian bên nhau vào 2 ngày cuối tuần, một năm sau khi chia tay.
Từ đêm đầu tiên, Lesser đã nói rõ cô không muốn quan hệ với người bạn trai. Nhưng vào đêm thứ hai, sau vài ly rượu và thuốc cảm, cô thiếp đi. Khi tỉnh giấc, cô thấy đồ lót của mình nằm vương vãi trên sàn và hậu môn bị chảy máu.
Sau khi báo cáo vụ việc với cảnh sát, cô được yêu cầu thực hiện cuộc gọi có ghi âm với người đàn ông. Anh ta thừa nhận đã quan hệ tình dục với Lesser vì nghĩ rằng cô còn tỉnh. Tháng 10/2017, người bạn trai bị bắt giữ.
Tuy nhiên, công tố viên Justin McNabney, người phụ trách vụ án, nghi ngờ mối quan hệ của Lesser với người đàn ông và hỏi làm thế nào cô có thể ngủ khi bị cưỡng hiếp.
Vụ án bị hủy một tháng sau đó vì không đủ bằng chứng. Với ký ức mờ nhạt của Lesser về đêm đó, các công tố viên không thể chứng minh cô bị cưỡng hiếp.
Lesser cảm thấy mình bị gạt bỏ. "Họ coi tôi là một nghĩa vụ phiền phức, như thể những gì xảy ra không quan trọng. Hệ thống pháp lý sụp đổ rồi", cô cay đắng.
Khó khăn tìm lại công lý
Duong khai với cảnh sát rằng cô bị cưỡng hiếp vào ngày 9/7/2017 bởi người bạn đồng hành trong chuyến du lịch tới New York.
Sau đêm tiệc tùng, cô lên xe về khách sạn tại khu SoHo (New York, Mỹ). Người bạn đó dẫn cô về phòng. Duong nhớ mơ hồ rằng mình bị hôn khắp người và xâm nhập từ phía sau. Cô không thể di chuyển và ngất lịm đi.
Cảnh sát nghi ngờ câu chuyện của Duong. Một điều tra viên nữ hỏi tại sao cô không chống trả hay la hét.
Duong cho rằng mình bị bỏ thuốc. Xét nghiệm cho thấy trong cơ thể cô có loại thuốc chống nôn gây buồn ngủ và mệt mỏi. Duong cho biết cô không bao giờ tự ý uống thuốc, nhưng các điều tra viên cũng không tìm hiểu thêm.
Duong được yêu cầu thực hiện cuộc gọi có ghi âm với nghi phạm nhưng đã quá muộn. Người đàn ông kia đã chuyển đến California (Mỹ). Ở bang này, việc ghi âm không đồng thuận là bất hợp pháp.
Văn phòng luật sư quận Manhattan nhanh chóng từ chối truy tố vụ việc. Duong chờ đợi hàng tháng để được gặp công tố viên Jennifer Gaffney. Bà Gaffney nói rằng cáo buộc của cô không phù hợp với định nghĩa về tội hiếp dâm cấp độ 2 hoặc 3. Bà khuyên cô cố gắng hồi phục nỗi đau và khởi kiện kẻ tấn công mình.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, người đàn ông cho biết anh ta tưởng rằng Duong đồng thuận quan hệ tình dục. Lúc đó, cả 2 đều say và anh ta tin rằng có sự hiểu lầm.
Duong nóng lòng chờ đến ngày người đàn ông bị kết án. "Thật bất công khi anh ta có thể làm điều đó mà không phải gánh hậu quả", cô nói.