Nâng cao chất lượng báo Đảng địa phương: Ứng dụng công nghệ, phù hợp với điều kiện của địa phương
Trong dòng chảy của sự phát triển khoa học công nghệ, nhiều cơ quan báo Đảng địa phương đã có đổi mới, không chỉ liên tục nâng cao chất lượng nội dung các tác phẩm báo chí, họ còn chủ động trong việc đào tạo nhân lực, đầu tư công nghệ, nguồn lực vào hoạt động chuyển đổi số.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học, công nghệ số đã dần làm thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, khi đó mỗi cơ quan báo chí cần phải thay đổi để không bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số là việc cần làm ngay, trong đó nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng kỹ năng làm báo hiện đại, sử dụng mạng xã hội, công nghệ, phát triển báo chí dữ liệu, đồ họa báo chí…
Tại báo Hải Dương, trong nhiều năm qua cách thức làm báo, tác nghiệp cũng có sự thay đổi theo hướng đa phương tiện. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành tòa soạn, Báo Hải Dương đẩy mạnh phát triển báo điện tử theo hướng đa phương tiện. Nếu trước đây, thông tin trên báo điện tử chủ yếu thể hiện dưới dạng text, ảnh, video thì hiện nay đã có thêm nhiều hình thức mới như dưới dạng audio, đồ họa, các tác phẩm báo chí đa phương tiện (emagazine).
Đặc biệt, việc đưa ứng dụng tập tin âm thanh kỹ thuật số (Podcast) lên báo điện tử với các chuyên mục Điểm tin, Thời sự, Đời sống - Giải trí, Văn nghệ, Check in Hải Dương, Báo Hải Dương đã có thêm đối tượng tiếp cận mới là các thính giả. Họ dễ dàng nghe và thưởng thức các sản phẩm báo chí của Báo Hải Dương hoặc vừa nghe vừa làm một công việc khác.
Tương tự tại tỉnh Nam Định, trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều cơ quan báo chí đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng các ấn phẩm báo in, báo điện tử và nội dung, chương trình phát sóng.
Tại Báo Nam Định, Ban biên tập đã luôn cố gắng trong thực hiện chuyển đổi, số hóa quá trình sản xuất sản phẩm báo chí. Từ năm 2022, Báo đưa vào vận hành hệ thống tòa soạn điện tử, hướng đến tòa soạn không giấy tờ. Theo đó tin tức được chuyển về tòa soạn và xử lý qua các khâu biên tập trên hệ thống CMS. Trên đó hiển thị rõ ngày giờ phóng viên nộp bài, nội dung biên tập qua từng khâu, công tác xử lý bản thảo cho từng loại hình báo chí như Báo in, Báo điện tử, tin truyền hình…bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Nhà báo Trần Đức Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nam Định cho biết, điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nhân lực, vật lực mà còn thể hiện rõ trách nhiệm của từng người, từng bộ phận, cũng như cả dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, từng khâu trong quy trình quản lý tòa soạn, cơ quan cũng được số hóa, giúp việc chỉ đạo, điều hành, giám sát hiệu quả hơn. Số hóa trong quản lý báo chí giúp các cơ quan báo tận dụng triệt để các nguồn lực có sẵn, giám sát có hiệu quả các quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn.
Bên cạnh đó, Báo Nam Định cũng tăng cường công tác đào tạo, rèn luyện đội ngũ phóng viên, biên tập viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi số, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức như tập huấn về xây dựng mô hình Tòa soạn đa phương tiện, Tòa soạn hội tụ, chuyển đổi số, Nâng cao chất lượng ảnh báo chí, về thiết kế đồ họa, về dựng tin truyền hình trên smartphone… Nhờ vậy Báo đã có nhiều phóng viên đa năng, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phục vụ cho các loại hình báo chí khác nhau.
Không ngại học hỏi, không ngại thay đổi chính mình, các cơ quan báo Đảng địa phương đã nhận thức sâu sắc xu hướng và tính cấp thiết của chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, từ đó tiếp cận và lựa chọn thực hiện ở nhiều công đoạn, với nhiều mức độ khác nhau.
Bước đầu đạt được những kết quả ban đầu khá tích cực, trước hết là về mặt thử nghiệm tổ chức vận hành mô hình “Tòa soạn hội tụ”, “Tòa soạn từ xa”, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức quy trình sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều những sản phẩm báo chí chất lượng cao, từng bước tiệm cận với yêu cầu chuyển đổi số báo chí và đáp ứng một phần nhu cầu của công chúng.
Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam cho rằng, để việc chuyển đổi số của các cơ quan báo Đảng địa phương đi vào thực chất, tạo ra được hiệu quả bền vững cần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và mỗi phóng viên, nhân viên kỹ thuật. Coi chuyển đổi số báo chí là vấn đề cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt cũng như lâu dài.
“Xác định rõ thời gian tiến hành các bước trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số báo chí đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện có của đơn vị và địa phương. Có thể lựa chọn lộ trình, chuyển đổi từng bước; có thể lựa chọn giải pháp đi tắt đón đầu, tạo những đột phá rõ nét… miễn sao đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, đồng bộ với những yêu cầu nhiệm vụ của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Ngoài ra cần có giải phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về kinh phí, lựa chọn hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ” - nhà báo Nguyễn Thế Vĩnh chia sẻ.