Nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng VBQPPL. Thẩm định VBQPPL là hoạt động xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của dự thảo nhằm đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, phải có tính thống nhất và đồng bộ của dự thảo; đồng thời còn phải tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo của dự thảo văn bản.

Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, quy trình soạn thảo, ban hành VBQPPL trải qua nhiều giai đoạn, trong đó, thẩm định là khâu rất quan trọng, được coi là giai đoạn “tiền kiểm”, nhằm giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về nội dung, hình thức của dự thảo VBQPPL trước khi ký ban hành. Từ khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện thẩm định 15 đề nghị xây dựng nghị quyết, tập tung một số lĩnh vực như đất đai, nông nghiệp, đầu tư và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn thẩm định 101 dự thảo nghị quyết, 214 dự thảo quyết định.

Các dự thảo văn bản của HĐND, UBND đều được Sở Tư pháp thẩm định chặt chẽ trước khi ký ban hành. Ảnh: K.N

Các dự thảo văn bản của HĐND, UBND đều được Sở Tư pháp thẩm định chặt chẽ trước khi ký ban hành. Ảnh: K.N

Để thẩm định dự thảo VBQPPL, Sở Tư pháp phân công, phân loại hồ sơ thẩm định, nghiên cứu hồ sơ thẩm định và ban hành báo cáo thẩm định. Cụ thể, tiếp nhận, phân loại hồ sơ thẩm định và phân công thẩm định, đây là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình thẩm định. Ở giai đoạn này, Sở Tư pháp nhận hồ sơ do cơ quan soạn thảo gửi đến, sau đó phòng nghiệp vụ tiến hành xử lý phân loại hồ sơ. Tổ chức nghiên cứu, thẩm định là công đoạn quan trọng nhất của quy trình thẩm định. Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo VBQPPL và hồ sơ liên quan công chức chuyên môn sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn tại địa phương để đánh giá tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, từ đó có ý kiến thẩm định đối với nội dung dự thảo. Riêng đối với trường hợp thẩm định đề nghị xây dựng chính sách thì cơ quan thẩm định còn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp tư vấn thẩm định. Sau đó, ban hành báo cáo thẩm định gửi cơ quan soạn thảo. Nhìn chung, công tác thẩm định của Sở Tư pháp được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ về thời gian quy định; báo cáo thẩm định ngoài việc đảm bảo cấu trúc theo quy định, bên cạnh đó còn có hướng đề xuất điều chỉnh cụ thể để giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo văn bản.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, Sở Tư pháp còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: việc đánh giá tác động của chính sách còn mang tính hình thức. Theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì khi lập đề nghị xây dựng nghị quyết, cơ quan soạn thảo phải thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có đánh giá tác động của chính sách. Đây là giai đoạn đòi hỏi rất nhiều thời gian, nguồn nhân lực nên các cơ quan soạn thảo thực hiện đánh giá tác động còn mang tính hình thức. Một số báo cáo đánh giá tác động của chính sách còn sơ sài, chỉ đánh giá mặt tích cực của chính sách, chủ yếu sử dụng phương pháp đánh giá định tính mà chưa định lượng để thực hiện chính sách; do đó, trong thẩm định khó đánh giá tính khả thi, tính dự báo của chính sách. Bên cạnh đó, còn khó khăn về thời gian thẩm định dự thảo VBQPPL. Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 thì thời gian thẩm định đối với dự thảo VBQPPL là 10 ngày và thời gian thẩm định đối với đề nghị xây dựng nghị quyết là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thẩm định. Tuy nhiên, do cơ quan soạn thảo chưa chủ động trong công tác soạn thảo nên đến khi gần sát kỳ họp HĐND thì mới gửi văn bản cho Sở Tư pháp thẩm định. Do đó, cùng lúc Sở Tư pháp phải thẩm định nhiều văn bản trong thời gian ngắn để kịp thời trình tại kỳ họp HĐND.

Từ thực tế nêu trên, để góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định, thời gian qua, Sở Tư pháp đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện. Theo quy định, phạm vi thẩm định dự thảo văn bản bao gồm: đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo; sự phù hợp của nội dung dự thảo với các quy định trong văn bản đã giao quy định chi tiết; nội dung dự thảo với các chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết đã được thông qua theo quy định đối với dự thảo nghị quyết. Như vậy, theo quy định thẩm định dự thảo phần lớn tập trung ở khía cạnh pháp lý và thể thức, kỹ thuật xây dựng văn bản, chưa xem xét về tính khả thi của dự thảo. Chính vì thế, trong quá trình thẩm định, Sở Tư pháp lồng ghép đánh giá tính khả thi của văn bản được xem xét qua các yếu tố, như: nội dung các quy định của văn bản phải bảo đảm tính cụ thể, chi tiết, không quy định một cách chung chung để khi văn bản được ban hành áp dụng được trong thực tiễn. Đối với những hồ sơ đề nghị thẩm định chưa đầy đủ theo quy định là chưa có dự thảo tờ trình, chưa có bản tổng hợp ý kiến góp ý hoặc dự thảo chưa đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, tuân thủ theo quy định. Nguồn thông tin, cơ sở pháp lý để thẩm định là nội dung được Sở Tư pháp chú trọng, ngoài việc tham khảo thông tin, tra cứu văn bản trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật của Bộ Tư pháp, sở còn đăng ký dịch vụ tra cứu của pháp luật Việt Nam, để đảm bảo tra cứu VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Bên cạnh đó, sở luôn cập nhật thông tin qua nhiều kênh thông tin các tài liệu về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để phục vụ cho công tác thẩm định văn bản. Còn những dự thảo văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực hoặc có tính chất chuyên môn cao, Sở Tư pháp họp tư vấn trao đổi, tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến báo cáo thẩm định không chỉ phù hợp theo pháp luật, mà còn mang tính tư vấn, định hướng dự thảo được hoàn thiện. Mặt khác, để công tác thẩm định đạt hiệu quả, tăng cường phối hợp đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản được Sở Tư pháp đặc biệt chú trọng. Sở Tư pháp đã chủ động tham gia đóng góp các VBQPPL trước khi các cơ quan soạn thảo gửi thẩm định. Vì thông qua góp ý dự thảo, Sở Tư pháp sẽ góp ý về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản, cơ sở pháp lý ban hành văn bản, cũng như về thể thức kỹ thuật trình bày bảo đảm theo quy định, bước đầu giúp cơ quan soạn thảo xây dựng văn bản phù hợp với quy định pháp luật, tạo điều kiện cho thẩm định. Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn về công tác xây dựng VBQPPL. Đây là dịp để các cơ quan, đơn vị thường xuyên soạn thảo VBQPPL trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng văn bản được báo cáo viên hướng dẫn, giải đáp, từ đó công tác xây dựng văn bản được nâng cao, giảm thiểu những thiếu sót. Mặt khác, nhằm nâng cao công tác thẩm định văn bản tại địa phương ngày càng hoàn thiện, Sở Tư pháp thường xuyên cử công chức tham dự các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức.

Đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian tới, để công tác thẩm định văn bản tiếp tục đạt được hiệu quả cao, sở sẽ tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác thẩm định VBQPPL. Qua đó, quán triệt kịp thời Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan về công tác kiểm tra, xử lý văn bản. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL ở địa phương.

K.N

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tham-dinh-van-ban-quy-pham-phap-luat-41234.html