Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Huyện ủy, UBND huyện Cao Lãnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Trung ương, Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, kết hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án phát triển du lịch và Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương. Chú trọng công tác đào tạo nghề, việc làm, chăm lo gia đình người có công với cách mạng.

Ông Ngô Thanh Trí – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp (bìa trái) bàn giao nhà tình nghĩa tại xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh

Ông Ngô Thanh Trí – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp (bìa trái) bàn giao nhà tình nghĩa tại xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh

Với sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành tỉnh, UBND huyện Cao Lãnh cùng các đơn vị liên quan đã khuyến khích các cá nhân, đơn vị chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ, các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp, từng bước thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống. Đồng thời phát huy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh, sản phẩm. Đến nay, địa phương đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận như: “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh”, “Chanh Cao Lãnh” và “Cá điêu hồng Bình Thạnh”; giấy chứng nhận sản phẩm: Ổi Lê - Mỹ Hiệp, Gà thả vườn và Gà thảo dược - Mỹ Thọ đạt chuẩn VietGAP; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì đối với một số sản phẩm chủ lực.

Các ngành phối hợp với địa phương triển khai và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo quy trình công nghệ mới, tạo sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng ngày càng cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng. Diện tích sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả về liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa; duy trì hợp đồng cung cấp, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp; một số sản phẩm rau, củ, quả của huyện được hệ thống siêu thị tiêu thụ góp phần tạo đầu ra sản phẩm của nông dân. Hoạt động kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, địa phương đã hoàn thành việc củng cố, chuyển đổi hoạt động các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã chủ động liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Duy trì nâng cao chất lượng mô hình thương mại điện tử “Cây xoài nhà tôi”.

Toàn huyện có hơn 1.126 thành viên tham gia Hội quán, với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, các Hội quán đã khẳng định được vai trò tập hợp người dân trao đổi, chia sẻ, giúp nhau phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội, tạo xu hướng mới trong hợp tác, làm tiền đề phát triển hợp tác xã nông nghiệp đa dịch vụ; nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng kết hợp với phát triển sản phẩm mới để tạo giá trị tăng thêm. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được hỗ trợ, tạo thuận lợi phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hạ tầng các cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư hoàn thiện, thu hút nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động tại địa phương.

Huyện Cao Lãnh đã triển khai, thực hiện hiệu quả giải pháp Đề án phát triển du lịch và Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương. Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước được đầu tư, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch được chú trọng. Địa phương hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa vào hoạt động các điểm tham quan vườn trái cây gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan. Bên cạnh đó, địa phương đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển theo mục tiêu đề ra, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình, dự án đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp đầu tư tại huyện Cao Lãnh được quan tâm, cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng năng lực cạnh tranh trong quá trình đầu tư. UBND huyện đã triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các Câu lạc bộ khởi nghiệp...

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, huyện đã tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, học viên, giới thiệu việc làm cho người lao động. Huyện Cao Lãnh là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Huyện có hơn 1.122 lao động xuất cảnh, thành lập 14 Câu lạc bộ gia đình tham gia đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, quan tâm hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo. Triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 – 2020.

Ngoài ra, UBND huyện Cao Lãnh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cùng với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: họp mặt gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa. Công tác chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Các Mẹ Việt Nam anh hùng đang sống trên địa bàn được các đơn vị nhận phụng dưỡng và thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết.

C.PHƯƠNG

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-93456.aspx