Nâng cao chất lượng giống cây trồng: Cần tập trung, không dàn trải

Giống cây trồng được ngành Nông nghiệp tỉnh coi là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản. Đánh giá hiệu quả của công tác chuyển đổi giống, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát 'Việc thực hiện nâng cao chất lượng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng' trong ba năm 2017, 2018 và 2019, tìm hiểu thực tế hiệu quả của công tác chuyển đổi giống với nông dân và cho thấy, còn nhiều điều có thể áp dụng để công tác chuyển đổi giống phát huy hiệu quả.

Đất lúa thu nhập thấp chuyển sang trồng chanh dây năng suất cao tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà

Đất lúa thu nhập thấp chuyển sang trồng chanh dây năng suất cao tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà

Lúa 1 vụ thay bằng rau màu năng suất cao

Ông Đinh Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, xã còn một số diện tích đất trồng lúa một vụ được nông dân chuyển qua trồng rau màu, trồng hoa cảnh, trồng dâu. Năm 2019, bà con thu nhập 900 triệu đồng/ha với cây rau và xấp xỉ 1,2 tỷ đồng/ha với cây hoa cảnh, 300 triệu đồng/ha với cây dâu. Dù chuyển sang trồng rau, hoa hay dâu tằm, thu nhập cũng cao hơn rất nhiều lần so với đất trồng lúa vốn chỉ thu nhập dưới 50 triệu đồng/ ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thông tin, kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh là một kế hoạch lớn của ngành nông nghiệp. Nâng cao chất lượng giống cây trồng là nhiệm vụ không thể thiếu trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hàng năm, ngành nông nghiệp đều tổng hợp đề xuất của địa phương, xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2017, kinh phí dành cho kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây trồng xấp xỉ 3,5 tỷ đồng. Năm 2018, kinh phí trên 3 tỷ đồng và năm 2019, kinh phí đạt mức 7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Châu cũng chia sẻ, kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây trồng chia làm hai phần, một phần hỗ trợ mua bản quyền và nâng cao năng lực sản xuất giống rau, hoa chất lượng cao. Phần này chủ yếu do ngành nông nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp nhập nội giống và nâng cao chất lượng sản xuất giống, nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ một phần và doanh nghiệp (DN) đối ứng một phần. Năm 2017 phần nhập khẩu giống không thực hiện được do vướng thủ tục. Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ DN nhập 109 ngàn cây giống các loại với mức hỗ trợ 468 triệu đồng, DN đối ứng 804 triệu đồng. Năm 2019, Nhà nước hỗ trợ DN nhập khẩu 39 giống rau, hoa, gần 500 ngàn đơn vị giống và 70 kg hạt giống các loại với tổng kinh phí thực hiện 5,3 tỷ đồng, ngân sách hỗ trợ gần 500 triệu đồng.

Có thể đánh giá, kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây trồng thì phần hỗ trợ mua bản quyền và nâng cao năng lực sản xuất giống rau, hoa chất lượng cao thực hiện khá ổn định, DN tham gia nhiều và hiệu quả tăng rõ rệt. Chỉ còn phần cần quan tâm là công tác chuyển đổi giống tại các địa phương được thực hiện như thế nào.

Chuyển đổi giống cây trồng: kinh phí ít, đầu tư vụn vặt

Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà đánh giá, hỗ trợ của ngành nông nghiệp cho công tác chuyển đổi giống tại địa phương còn khá hạn chế và mô hình vụn vặt. Ông Khánh nêu ví dụ cụ thể, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà cả hai năm 2018, 2019 chỉ có 7 hộ được hỗ trợ chuyển đổi 2,7 ha đất lúa 1 vụ sang đất trồng rau màu với kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, tổng kinh phí hỗ trợ là 27 triệu đồng. Hay hỗ trợ trồng xen sầu riêng trong vườn năm 2019, chỉ có 4,7 ha với kinh phí hỗ trợ 18,8 triệu đồng chia cho 4 hộ, mô hình quá nhỏ và mức đầu tư thấp khiến nông dân không hào hứng tham gia. Ông Khánh đề xuất, không cần đầu tư dàn trải, cần đầu tư tập trung, thực hiện mô hình lớn, có tác động tốt, nông dân thấy hiệu quả và dễ áp dụng theo.

Tương tự Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc cũng thực hiện chuyển đổi giống, hỗ trợ nông dân với kinh phí trên 225 triệu đồng trong 3 năm. Định mức hỗ trợ ở mức 2 triệu đồng/ha cho cây ăn trái, riêng sầu riêng là 4 triệu đồng/ha là quá thấp, mức đầu tư dàn trải khiến quá trình thực hiện khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương đều đánh giá thủ tục giải ngân dự án còn khó khăn, vốn cấp chậm khiến triển khai không dễ dàng.

Trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương xấp xỉ 750 ha đất năng suất thấp sang cây trồng năng suất cao với tổng kinh phí xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Trên thực tế, nhu cầu của nông dân lớn hơn rất nhiều lần và cần một chính sách dài hơi để người nông dân có thể tiếp cận với nguồn giống năng suất, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, thông qua giám sát cho thấy, việc chuyển đổi giống tại các địa phương còn những bất cập, bao gồm cấp vốn chậm, nguồn vốn ít, đầu tư dàn trải và thủ tục còn khó khăn. Đoàn sẽ tổng hợp ý kiến từ các địa phương và đưa thông tin tới cơ quan chức năng với mục tiêu đưa tiếng nói từ thực tế để kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây trồng được thực hiện ngày càng hiệu quả.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202009/nang-cao-chat-luong-giong-cay-trong-can-tap-trung-khong-dan-trai-3020802/