Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

Công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và khó khăn, phức tạp của cấp ủy và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp. Vì vậy đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn; khéo léo vận động, thuyết phục, kể cả đấu tranh làm cho đối tượng được kiểm tra khắc phục tâm lý lo sợ, tự ti, mặc cảm, phản ứng, thiếu hợp tác, thiếu tự giác, chủ động phối hợp trong quá trình kiểm tra.

Kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, ngày 17/05/2024.

Kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, ngày 17/05/2024.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 1 nghị quyết, 2 đề án về công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, việc phát hiện, xác định và quyết định kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là tiền đề rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chính vì vậy, Đề án số 03-ĐA/TU ngày 1/4/2021 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025” đã cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.

Thực hiện Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 1/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng, cán bộ được phân công theo dõi, nắm bắt tình hình lĩnh vực, địa bàn đã chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; thu thập thông tin, tài liệu phục vụ việc phát hiện và đề xuất UBKT trong việc xác định, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã kiểm tra 8.212 tổ chức đảng và 4.205 đảng viên, có 1.675 đảng viên là cấp ủy viên các cấp; giám sát chuyên đề đối với 2.734 tổ chức đảng và 5.640 đảng viên, có 3.895 đảng viên là cấp ủy viên các cấp; thi hành kỷ luật đối với 19 tổ chức đảng và 860 đảng viên, có 131 đảng viên là cấp ủy viên các cấp.

Trong đó, UBKT các cấp và chi bộ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 81 tổ chức đảng và 450 đảng viên (UBKT Tỉnh ủy kiểm tra đối với 41 tổ chức đảng và 274 đảng viên), tăng 291,5% tổ chức đảng và 209,3% đảng viên so với cùng nhiệm kỳ 2015-2020. Nội dung kiểm tra tập trung vào: Công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản…

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 tổ chức đảng và 19 đảng viên (8 đảng viên là cấp ủy viên các cấp). Qua kiểm tra đã kết luận 16 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật 11 đảng viên, đã kỷ luật 11 đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 25 tổ chức đảng và 75 đảng viên (43 đảng viên là cấp ủy viên các cấp). Qua kiểm tra, kết luận 16 tổ chức đảng và 60 đảng viên có vi phạm; vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật 1 tổ chức đảng và 29 đảng viên, đã kỷ luật 1 tổ chức đảng và 29 đảng viên.

Có thể thấy, công tác kiểm tra đối với tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đã giúp cho cấp ủy ngăn chặn, phòng ngừa được thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên, không để khuyết điểm trở thành sai phạm; vi phạm nhỏ không trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người không trở thành vi phạm của nhiều người, của tổ chức. Đồng thời giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học trong quản lý, giáo dục và kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên vi phạm còn có một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là xác định dấu hiệu vi phạm, quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm tổ chức đảng và đảng viên hiện nay chủ yếu căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán (những vi phạm đã rõ) hoặc qua đơn thư, thông tin báo chí; việc theo dõi, nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực hoặc qua giám sát để phát hiện và chuyển kiểm tra dấu hiệu vi phạm còn hạn chế.

Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong xem xét, xử lý kỷ luật của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa cao; một số đảng viên có vi phạm đã được tổ chức thẩm tra, xác minh làm rõ nhưng vẫn quanh co, thiếu tính tự giác; việc thi hành kỷ luật về chính quyền, đoàn thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đồng bộ với kỷ luật đảng.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy, UBKT các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ những nhóm giải pháp sau:

Một là, cấp ủy, UBKT các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng cho các tổ chức đảng và đảng viên. Xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cấp ủy, UBKT. Công tác kiểm tra luôn gắn với công tác tư tưởng, dân vận và công tác cán bộ. Coi việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm vừa để giáo dục, ngăn ngừa vi phạm, vừa để bảo vệ đường lối, chủ trương, nghị quyết, tôn chỉ, mục đích của Đảng, đồng thời cũng là để bảo vệ cán bộ, đảng viên trước những thông tin dư luận không tốt.

Hai là, cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để UBKT thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới là một nhiệm vụ khó, nhất là kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên giữ chức vụ quan trọng, lĩnh vực kiểm tra nhạy cảm, nếu không có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy thì hiệu lực, hiệu quả kết luận của ủy ban kiểm tra không cao.

Ba là, để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, UBKT các cấp phải đổi mới phương pháp tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm, mở rộng và thu thập tất cả các nguồn thông tin. Từ đó, ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành khảo sát, xem xét, tổng hợp sàng lọc nguồn thông tin để quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tránh kiểm tra một cách tràn lan. Quyết định kiểm tra đúng thời điểm, đúng đối tượng và đúng nội dung, bảo đảm quy trình và phương pháp kiểm tra. Sau kiểm tra phải có kết luận chính xác, khách quan, nếu có vi phạm phải cương quyết xử lý kỷ luật kịp thời, không để kéo dài làm ảnh hưởng tác dụng một cuộc kiểm tra. Kết hợp giải quyết tố cáo với kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Bốn là, UBKT các cấp tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức có liên quan trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Năm là, các cấp ủy thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn ủy ban kiểm tra, cơ quan UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có bản lĩnh chính trị, có dũng khí đấu tranh. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra một cách toàn diện cả về lý luận chính trị, chuyên môn và năng lực thực tiễn.

Thái Văn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202410/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-kiem-tra-khi-co-dau-hieu-vi-pham-c2d0d79/