Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm hơn nữa.

Ngày 18.1.2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20 - CT/TW về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn và phát hành lịch sử của đơn vị mình.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã được nâng lên. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm. Chất lượng các ấn phẩm lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống mới phát hành cơ bản được nâng lên. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Số lượng các ấn phẩm được nghiên cứu, biên soạn, phát hành đạt kết quả tốt...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên tập lịch sử Đảng ở các cấp, ngành trong tỉnh còn một số hạn chế. Một bộ phận cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị còn có biểu hiện ngại làm, ngại va chạm trong việc tiến hành nghiên cứu, biên soạn, phát hành ấn phẩm lịch sử Đảng cơ quan, đơn vị mình. Số lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong toàn tỉnh ít. Số cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về lịch sử và lịch sử Đảng không nhiều, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Nhiều địa phương, đơn vị không có hồ sơ, tư liệu hoặc hồ sơ, tư liệu không đủ, không thể phục dựng lại được bức tranh chân thực của lịch sử ngành, đơn vị mình. Nhiều địa phương, đơn vị không cân đối được nguồn kinh phí từ ngân sách, không có cơ chế thực hiện xã hội hóa nên không có đủ kinh phí để triển khai thực hiện…

Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, in ấn và tuyên truyền lịch sử Đảng các cấp, lịch sử truyền thống ngành, cơ quan, đơn vị, trong thời gian tới, các cấp ủy cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 và Thông báo số 383 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp ủy để triển khai thực hiện có hiệu quả ở cơ sở. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Tập trung tập huấn nghiệp vụ ghi biên niên sự kiện, sưu tầm tư liệu, hồ sơ thông tin phục vụ quá trình chuẩn bị trước khi nghiên cứu, biên soạn. Ban hành chủ trương và xây dựng kế hoạch sớm để triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, nhất là công tác chuẩn bị về hồ sơ tư liệu và kinh phí, vì đây là những điều kiện quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiên cứu, biên soạn. Bên cạnh đó, cần tranh thủ xin ý kiến, phỏng vấn, sưu tầm tư liệu từ các nhân chứng lịch sử là các đồng chí nguyên lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ để tập hợp thêm thông tin quan trọng. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương cần tuân thủ đúng quy định của Luật Xuất bản.

LÊ VĂN BẰNG
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/ban-doc-viet/nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-bien-soan-tuyen-truyen-giao-duc-lich-su-dang-223194