Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, nhu cầu cấp thiết

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Quảng Trị quyết tâm phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động du lịch hiện nay cho thấy chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm hạn chế. Vì thế, để đạt được mục tiêu đề ra thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành vấn đề cấp thiết.

 Hướng dẫn khách du lịch tham quan Di tích Địa đạo Vịnh Mốc -Ảnh: M.L

Hướng dẫn khách du lịch tham quan Di tích Địa đạo Vịnh Mốc -Ảnh: M.L

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đến cuối năm 2019, tổng số lao động xã hội trong ngành du lịch Quảng Trị là 23.300 người, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,39%. Tuy nhiên, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ 74%. Đối tượng này chủ yếu là lao động phổ thông tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ, các hộ cá thể, các dịch vụ bổ trợ du lịch. Hạn chế lớn nhất của nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay là thiếu kỹ năng nghề và trình độ ngoại ngữ.

Để phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng dự báo, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần sớm tiến hành rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân viên làm du lịch; tham mưu dành nguồn lực nâng cấp, bổ sung và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu đào tạo để kịp thời theo dõi diễn biến về đội ngũ. Trên cơ sở dự báo về lượng khách du lịch, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch phù hợp với yêu cầu phát triển và các mục tiêu, dự báo, định hướng phát triển du lịch.

Với thực trạng đội ngũ phục vụ du lịch hiện nay, bên cạnh những định hướng phát triển mang tính vĩ mô, tỉnh Quảng Trị cần có chính sách cụ thể hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch trong xu thế hội nhập. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cần đảm bảo yêu cầu sử dụng lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch. Đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, cần tập trung đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ… Đảm bảo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa, lịch sử quê hương, đất nước. Đặc biệt trong xu hướng du lịch luôn chuyển động, nhu cầu của khách hàng thường xuyên thay đổi, vì thế đòi hỏi lao động trong lĩnh vực này phải luôn cập nhật thông tin, trau dồi kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống mang đến sự hài lòng cho khách du lịch.

Việc lựa chọn đào tạo một số nghề liên quan đến dịch vụ du lịch cộng đồng cũng là một nhu cầu thực tế tại Quảng Trị, bởi thời gần đây, mô hình du lịch cộng đồng bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng người dân ở các điểm phát triển du lịch cộng đồng lại thiếu những kỹ năng, kinh nghiệm để phục vụ khách du lịch.

Thực tế đối tượng tham gia thực hiện du lịch cộng đồng chủ yếu là nông dân-chủ hộ ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, ở tuổi trung niên, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, bản năng. Do đó, việc bồi dưỡng vốn ngoại ngữ hoặc học hỏi thêm các kỹ năng nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ trở nên khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, đến này tỉnh vẫn chưa có chính sách riêng cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch cộng đồng nên ngành du lịch gặp nhiều khó khăn để mở lớp tập huấn cho đối tượng này. Trong khi đó, các chính sách thu hút nhân tài của tỉnh vẫn chưa đủ hấp dẫn để “lôi kéo” nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao về phục vụ tại địa phương.

Để có được đội ngũ nhân lực dồi dào và chuyên nghiệp cho ngành du lịch không phải là việc làm “ngày một, ngày hai”, vì vậy bên cạnh việc đề nghị tỉnh có chính sách riêng để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch thì bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động trong việc đào đạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, tay nghề thường xuyên cho người lao động, khuyến khích đào tạo du lịch theo hướng xã hội hóa. Có thể nói việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch không phải là trách nhiệm của bất cứ riêng sở, ban, ngành nào mà là của toàn xã hội trong đó, vai trò then chốt nằm ở chính sự tham gia và ý thức của những người làm du lịch.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152463