Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí

Sáng 24/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn 'Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc lần thứ hai năm 2024'.

Diễn đàn năm nay có chủ đề Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; các chuyên gia kinh tế, luật sư, giảng viên và các phóng viên, nhà báo…

Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa lớn với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí khi đóng góp quan trọng vào việc thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cũng như xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng. (Ảnh: Hồng Châu)

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng. (Ảnh: Hồng Châu)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định: "Để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng đưa nước ta bước sang "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng. Yếu tố tinh thần luôn là sức mạnh đặc biệt của cách mạng Việt Nam và con người Việt Nam, đã giúp nước ta thu được những thành tựu to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, khí thế, tinh thần kinh doanh sôi động trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển đổi, phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam".

Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá báo chí đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao nhận thức về thương hiệu và sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ báo chí, người tiêu dùng biết đến và tin dùng hàng Việt nhiều hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Báo chí cũng đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, giúp phản ánh các thông tin thị trường và nguyện vọng của doanh nghiệp. Báo chí không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách, mà còn giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, trở thành tiếng nói độc lập góp phần điều chỉnh các chính sách kinh tế.

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu)

Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu)

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp cần được xây dựng trên nền tảng hợp tác bền vững hơn để hỗ trợ lẫn nhau phát triển.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, dù truyền thông xã hội ngày càng phát triển, báo chí vẫn là nguồn thông tin chủ lưu. Dù vậy, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chưa thực sự vững chắc, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu qua báo chí, coi báo chí chỉ là kênh quảng cáo hoặc thậm chí là phiền toái. Nếu mối quan hệ này không được xây dựng trên cơ sở minh bạch và hợp tác, cả hai bên sẽ đều chịu thiệt hại.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay vẫn chưa đầu tư đúng mức cho công tác truyền thông, khiến mối quan hệ với báo chí trở nên đơn lẻ và thiếu hiệu quả. Đồng thời, một bộ phận báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cả hai bên cần phối hợp để nâng cao trách nhiệm xã hội và tạo ra các sản phẩm thông tin chất lượng cao.

Chia sẻ nhận định ở góc độ nguồn nhân lực cho báo chí, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là một trong những vấn đề hàng đầu cần quan tâm của các tòa soạn. Theo số liệu thống kê, trong 21.000 nhà báo được cấp thẻ, có khoảng 39% các nhà báo có bằng đào tạo về báo chí, còn lại là các chuyên ngành khác, trong đó có các ngành về kinh tế, tuy nhiên, các phóng viên viết về kinh tế giỏi chưa nhiều.

"Thực tế, báo chí là nghề đặc biệt, nhưng phóng viên viết về kinh tế nên có kiến thức về kinh tế, viết về chứng khoán có kiến thức về chứng khoán… Tất cả các lĩnh vực khác nhau đều phải có kiến thức nền để phục vụ cho chuyên môn của mình, đặc biệt thông tin về kinh tế cần phải có kiến thức chuyên sâu hơn", bà Thảo dẫn chứng.

Bà Thảo khuyến nghị các tòa soạn cũng nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện cũng như tăng cường sự tương tác với bạn đọc để có những thông tin khai thác đề tài đúng với tôn chỉ, cũng như có những kiến thức phản biện.

Các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của VCCI. (Nguồn: VGP)

Các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của VCCI. (Nguồn: VGP)

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của VCCI và trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững.

Chương trình nhằm khích lệ, động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và kinh tế đất nước.

Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai năm 2024 là hoạt động nằm trong Chương trình phối hợp công tác đã ký kết ngày 25/07/2023 giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí, xây dựng môi trường kinh doanh, môi trường truyền thông thúc đẩy doanh nghiệp, báo chí cùng phát triển, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Đến ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, trong đó có nêu vấn đề “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam”.

Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước. Diễn đàn chính là hoạt động thiết thực góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nang-cao-chat-luong-thong-tin-ve-kinh-te-doanh-nghiep-tren-bao-chi-291233.html