Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân ở huyện Tam Nông, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn, phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống trên địa bàn.

Gia đình bà Lê Thị Tăng ở khu 1, xã Hiền Quan mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 200kg tầm gửi khô.

Gia đình bà Lê Thị Tăng ở khu 1, xã Hiền Quan mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 200kg tầm gửi khô.

Tại xã Hiền Quan, sản phẩm tầm gửi cây gạo đã mang lại nguồn thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 360 cây gạo tía, thuộc sở hữu của khoảng 30 hộ dân. Là loại cây sống ký sinh trên thân cây gạo, dù dễ dàng mang lại thu nhập cao nhưng mô hình này rất khó nhân rộng do tầm gửi cây gạo phát triển hoàn toàn tự nhiên, không thể trồng ghép hay cấy hạt. Bà Lê Thị Tăng ở khu 1 là một trong số hộ dân hiện đang sở hữu số cây tầm gửi gạo nhiều trong xã với hơn 100 cây gạo tía, trong đó có gần 20 cây đang cho thu hoạch cho biết: “Mỗi năm, gia đình thu hoạch khoảng 2 tạ tầm gửi khô, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Từ khi tầm gửi cây gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm của gia đình tôi bán ra cho khách hàng cả trong và ngoài tỉnh, sản lượng tăng từ 20% - 30%”.

Để nâng cao giá trị sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan phối hợp với HTX Nông nghiệp dịch vụ An Hưng chế biến tầm gửi cây gạo thành 2 sản phẩm chính là tầm gửi cây gạo phơi khô và sản phẩm chiết xuất tầm gửi cây gạo thành nước uống thảo mộc được người tiêu dùng đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan cho biết: “Nhờ sử dụng quy trình sản xuất tiên tiến, HTX đã sản xuất ra các sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, trong đó chủ lực là trà thảo mộc chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho địa phương nói riêng, huyện Tam Nông nói chung, tạo việc làm cho nhiều lao động”.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tam Nông có 12 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP như: Tầm gửi cây gạo, xã Hiền Quan; cá thính đồng Nung, xã Dân Quyền; trứng gà Ninh Điệp, xã Vạn Xuân; rượu ngô Minh Quân, xã Tề Lễ; chuối tây thái Việt Hà, xã Bắc Sơn; đông trùng hạ thảo, xã Thanh Uyên; gà đồi Lam Sơn, xã Lam Sơn... Mỗi sản phẩm đều mang theo một câu chuyện về quá trình sản xuất, tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương, quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo các tiêu chí về dinh dưỡng, tính dược, có khả năng phát triển, được người tiêu dùng đón nhận, là sản phẩm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Huyện Tam Nông đã có nhiều giải pháp nhằm kết nối, tạo liên kết chuỗi sản phẩm; hỗ trợ xây dựng logo, nhãn hiệu sản phẩm, in ấn tem nhãn, bao bì, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hiện chính sách thưởng sản phẩm đạt OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm; kết nối thị trường trong, ngoài huyện. Tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP trong khu vực; trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung đổi mới, cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật. Mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Với sản phẩm tiềm năng, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với thế mạnh của địa phương. Ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống... Việc nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của huyện Tam Nông đã thúc đẩy, nâng cao năng lực của các chủ thể OCOP. Các sản phẩm truyền thống, chủ lực, đặc trưng của địa phương được khôi phục, nhân rộng, phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-gia-tri-san-pham-ocop-213511.htm