Nâng cao hiểu biết để phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm (BKLN), trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư 19%, COPD chiếm 6%, đái tháo đường 4% và các BKLN khác chiếm 18%. BKLN còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay Covid-19 hiện nay.

Giảm độ mặn trong chế biến thức ăn là cách hiệu quả để phòng các bệnh không lây nhiễm

Giảm độ mặn trong chế biến thức ăn là cách hiệu quả để phòng các bệnh không lây nhiễm

Tỷ lệ mắc các BKLN phổ biến tăng nhanh qua các năm và số người mắc bệnh trong cộng đồng hiện rất lớn. Ăn thừa muối là nguyên nhân gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các BKLN khác. Phần lớn người Việt Nam tiêu thụ muối gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là dưới 5g/ngày. Theo khuyến nghị của WHO, giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5g/ngày sẽ cứu sống 2,5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tim mạch là hút thuốc lá; lạm dụng rượu, bia; dinh dưỡng không hợp lý như ăn nhiều chất béo, thiếu rau xanh và đặc biệt là ăn thừa muối, ít vận động thể lực.

Tại Long An, việc phát hiện sớm và quản lý, điều trị các BKLN ngày càng được quan tâm. Sự hiểu biết của người dân về các yếu tố nguy cơ gây BKLN ngày càng được nâng lên nhờ truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, người dân tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ tăng huyết áp và đái tháo đường như câu lạc bộ tại xã Phước Lâm, Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc), xã Bình Đức (huyện Bến Lức), xã An Ninh Tây (huyện Đức Hòa) ngày càng nhiều; bên cạnh đó, còn có chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Y tế và sự phối hợp hỗ trợ của Viện Pasteur TP.HCM cũng như sự quan tâm chỉ đạo về chủ trương, chính sách của UBND tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống BKLN tại địa phương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, báo cáo nhằm thực hiện tốt công tác quản lý BKLN.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác phòng, chống BKLN. Việt Nam nói chung và Long An nói riêng đang đối mặt với một mô hình bệnh tật kép. Trong khi đang nỗ lực để kiểm soát bệnh truyền nhiễm với những bệnh, dịch nguy hiểm đang lưu hành như sốt xuất huyết, đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn phải đối mặt với sự gia tăng của BKLN và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật.

Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Pasteur TP.HCM phối hợp Sở Y tế tổ chức Hội nghị truyền thông về bệnh không lây nhiễm, giảm ăn muối và Covid-19 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động truyền thông giảm yếu tố nguy cơ BKLN, đặc biệt là giảm ăn muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và phòng, chống BKLN trong đại dịch Covid-19. Hy vọng với sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, công tác phòng chống BKLN sẽ được lan tỏa và ngày càng có nhiều người dân biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình./.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Bs. Huỳnh Hữu Dũng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-cao-hieu-biet-de-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-a144184.html