Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng

Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí và Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp PCTN hiệu quả. Đây được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách, lâu dài và phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với công tác kiểm tra, giám sát và phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng. Khi đó, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực triển khai nghiêm túc nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Những đơn vị có chức năng chống tham nhũng của tỉnh đã được kiện toàn về cơ cấu tổ chức, nhân sự theo quy định của pháp luật và phối hợp hoạt động tốt trong thẩm quyền. Từ đó, các vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chặt chẽ, kịp thời, không để xảy ra tác động tiêu cực của dư luận xã hội tại địa phương.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nội chính, PCTN. Ảnh: S.M

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nội chính, PCTN. Ảnh: S.M

Từ năm 2013 đến năm 2020, qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ, các đơn vị đã phát hiện 3 vụ việc liên quan đến tham nhũng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 6 vụ; qua giải quyết tố cáo đã phát hiện 4 vụ. Các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm 23 vụ việc, 42 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng; tài sản tham nhũng được thu hồi 5,8 tỉ đồng. Hầu hết các vụ tham nhũng đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân. Chính kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo đồng chí Hồ Minh Hải - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương phải luôn phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Thường xuyên theo dõi và có biện pháp ngăn chặn, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời những cá nhân có biểu hiện, hành vi sai phạm; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Các đơn vị cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác PCTN. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm công tác PCTN.

Thực tế, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế nhất định như: việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ, còn hình thức; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít... Chính vì thế, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Lấy hiệu quả công tác PCTN làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN; công khai kết quả xử lý các vụ việc, vụ án, đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của Đảng về PCTN và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Có biện pháp bảo vệ người tố cáo để khuyến khích công dân tham gia phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí. Cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định và xử lý, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Lãnh đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Tăng cường trách nhiệm của HĐND các cấp trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng trong phát hiện, tố giác tham nhũng.

S.M

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-trong-lanh-dao-chi-dao-phat-hien-xu-ly-tham-nhung-48327.html