Nâng cao hiệu quả chính sách dân số vùng công giáo

Đồng bào công giáo hiện chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 42 giáo xứ trên địa bàn thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Cẩm Khê, Thanh Thủy, Phù Ninh, Lâm Thao…

Cán bộ dân số xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê phối hợp với trạm y tế truyền thông lồng ghép các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong các buổi tiêm chủng.

Cán bộ dân số xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê phối hợp với trạm y tế truyền thông lồng ghép các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong các buổi tiêm chủng.

(baophutho.vn)

- Đồng bào công giáo hiện chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 42 giáo xứ trên địa bàn thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Cẩm Khê, Thanh Thủy, Phù Ninh, Lâm Thao… Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách dân số và phát triển, tuy nhiên công tác dân số vùng công giáo hiện nay vẫn còn những thách thức, đòi hỏi đội ngũ làm công tác dân số cần tiếp tục đổi mới hoạt động truyền thông, vận động nhằm nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế.
Những “rào cản”
Gần 40 tuổi, qua hơn 10 năm xây dựng hạnh phúc, chị Trần Thị Quyền ở khu 2, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ đã trải qua ba lần sinh nở, ba đứa con trai, cháu lớn lên 10 tuổi, nhỏ nhất mới lên ba. Thu nhập từ nghề bán cá ở chợ xép của chị và công thợ phụ hồ của anh mỗi ngày cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Kinh tế khó khăn vì đông con, thế nhưng chồng vẫn kịch liệt phản đối việc chị sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.Chị Quyền tâm sự: “Lấy chồng là đồng bào công giáo, tôi rất hiểu những quy định của giáo lý, giáo luật. Tuy nhiên, tôi biết nếu sinh thêm con sẽ còn khổ nữa, các con sẽ không có điều kiện được học tập, chăm sóc tốt. Được cán bộ dân số tư vấn về lợi ích của các biện pháp tránh thai vừa hiệu quả, vừa kín đáo, cách đây hơn một tháng, tôi đã quyết tâm đến Trạm y tế xã để áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp để yên tâm lao động, chăm sóc các con và gia đình”.Tâm sự của chị Quyền cũng là nỗi lòng của nhiều chị em phụ nữ trong tuổi sinh đẻ ở vùng công giáo hiện nay. Xã Hà Lộc có tỉ lệ đồng bào công giáo hơn 13% dân số. Chị Lê Thị Kim Kỳ- Cán bộ dân số xã cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay trong thực hiện các chính sách dân số vùng công giáo đó là nhiều người không sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại kể cả đối với gia đình đông con. Các tập quán, tín ngưỡng tôn giáo về sinh nhiều con, sinh con trai vẫn còn tồn tại phổ biến trong giáo dân. Việc tuyên truyền vận động một số người dân vùng công giáo thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại và chấp hành các chính sách dân số còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là các quy định của giáo hội chỉ cho giáo dân thực hiện biện pháp KHHGĐ bằng phương pháp tự nhiên, vì vậy hiệu quả tránh thai đạt thấp”. Theo thống kê năm 2020, còn gần 500 cặp vợ chồng trong xã chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; 45 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên, tăng 10 trẻ so với cùng kỳ. Những trở ngại, thách thức trên không chỉ xuất hiện ở thị xã Phú Thọ mà còn là thực trạng chung của một số địa phương có đồng bào công giáo sinh sống. Năm 2020, các địa phương: Thị xã Phú Thọ, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy... đều có tỉ lệ sinh con thứ ba tăng. Phú Thọ hiện có quy mô dân số lớn, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tốc độ gia tăng dân số hàng năm vẫn ở mức cao. Tổng tỉ suất sinh (số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đang ở mức trên 2,5 con, cao hơn nhiều so với cả nước. Đổi mới truyền thông, vận động
Ở xã công giáo toàn tòng Ngô Xá, huyện Cẩm Khê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đông gây áp lực lên mức sinh, số trẻ em sinh ra và sinh con thứ ba trở lên còn cao cùng tâm lý muốn sinh thêm con, có con trai còn khá phổ biến,… đã đặt ra cho địa phương không ít thách thức đối với công tác dân số. Tuy nhiên, không vì khó mà bỏ ngỏ. Từng bước tháo gỡ khó khăn, kiên trì truyền thông, vận động là cách mà những người làm công tác dân số địa phương triển khai thường xuyên mang lại hiệu quả.Chị Phan Thị Huyền - cán bộ dân số xã chia sẻ: “Chúng tôi luôn đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của địa phương. Nội dung chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, vận động giảm sinh và sinh con thứ ba trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số”. Nhờ phương châm truyền thông trực tiếp, bền bỉ theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” 6 tháng đầu năm 2021, tổng số trẻ sinh giảm 16 trẻ so với cùng kỳ năm 2020; số trẻ là con thứ ba trở lên giảm 10 trẻ so với cùng kỳ; 100% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 80% thanh niên, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và cung cấp kiến thức về SKSS/KHHGĐ.

Ông Lê Kiêm Toàn - Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh:Vai trò của các chức sắc tôn giáo, các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội được thể hiện rõ trong việc vận động bà con giáo dân gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, kinh tế của địa phương, nhất là thực hiện chính sách dân số và phát triển, đăng ký thực hiện gia đình công giáo gương mẫu, giảm tỉ lệ người sinh con thứ ba trở lên, tăng tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Trước đây, tỉ lệ người sinh con thứ ba, mức sinh ở vùng đồng bào công giáo khá cao. Nhưng hiện nay, qua thực tế cho thấy, đại đa số các giáo dân chấp hành nghiêm túc chính sách về dân số. Các gia đình trẻ đã thực hiện các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

Huyện Cẩm Khê hiện có khoảng 26% đồng bào theo đạo công giáo, tập trung ở sáu xã: Phượng Vỹ, Tuy lộc, Ngô Xá, Tạ Xá, Yên Tập, Hương Lung. Những năm gần đây, việc giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên luôn là vấn đề được huyện quan tâm. Các xã công giáo đều đã đang áp dụng biện pháp kiên trì vận động thuyết phục các linh mục, chức sắc và đông đảo giáo dân tham gia vào chương trình DS-KHHGĐ; tổ chức hội thảo “Đồng bào công giáo với chương trình dân số và phát triển”. Từ đó, các linh mục kết hợp công tác truyên truyền thực hiện chính sách dân số trong các buổi giảng đạo hoặc dạy giáo lý về hôn nhân gia đình.Ban dân số các xã phối hợp với trạm y tế tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại, cách chăm sóc trước và trong khi mang thai, sàng lọc trước sinh, sau sinh cho chị em phụ nữ trong ngày tiêm chủng mở rộng. Lồng ghép tuyên truyền trong buổi họp giao ban hàng tháng của Hội phụ nữ xã về lợi ích mô hình gia đình ít con, giảm sinh con thứ ba trở lên, hệ lụy việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Cán bộ dân số thường xuyên phối hợp với Ban Tư pháp tuyên truyền tư vấn và vận động các cặp nam nữ đến đăng ký kết hôn tại UBND xã về tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai hiện đại và vận động ký cam kết thực hiện đúng chính sách dân số.Từ cách làm ở huyện Cẩm Khê cho thấy nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, CTV dân số ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả các mục tiêu. Thực hiện kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của UBND tỉnh về công tác dân số, toàn tỉnh nói chung, trong đó có vùng đồng bào công giáo cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới.Đổi mới và đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung truyền thông phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng. Phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng. Đồng thời mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202107/nang-cao-hieu-quachinh-sach-dan-so-vung-cong-giao-178187