Nâng cao hiệu quả công tác nữ công

Công đoàn Quảng Trị hiện có 28.216 nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), chiếm tỉ lệ gần 50% trên tổng số CNVCLĐ. Xác định rõ tầm quan trọng của nữ CNVCLĐ trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực chỉ đạo ban nữ công công đoàn các cấp làm tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể nữ CNVCLĐ.

 Được chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, lao động nữ tại nhiều doanh nghiệp yên tâm làm việc - Ảnh: T.L

Được chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, lao động nữ tại nhiều doanh nghiệp yên tâm làm việc - Ảnh: T.L

Đối với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đông Hà, công tác nữ công luôn được quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Phó Chủ tịch, Trưởng Ban nữ công LĐLĐ thành phố Đông Hà Nguyễn Thị Hoài Như thông tin, năm 2020, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) thành lập và kiện toàn ban nữ công quần chúng. Các đơn vị có ban nữ công quần chúng đã làm tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho lao động nữ. Cùng với đó, phong trào “Nuôi heo đất - Trao yêu thương” trong nữ CNVCLĐ cũng đã thu hút được 48 đơn vị tham gia, số tiền tiết kiệm được trên 65 triệu đồng đã được các CĐCS trao cho 131 đoàn viên nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các đơn vị có thành lập ban nữ công quần chúng từ đầu năm còn phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”…

“Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2021, chúng tôi đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong công tác nữ công. Trong đó chú trọng đến việc phối hợp kiểm tra, giám sát tập trung vào thực hiện các chế độ, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ. Lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, vận động nguồn lực giúp đỡ các đối tượng là nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm…”, bà Nguyễn Thị Hoài Như cho biết thêm.

Công tác nữ công cũng được công đoàn ngành y tế thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thông tin từ Công đoàn ngành Y tế cho biết, hiện toàn ngành có 31 CĐCS với 3.440 cán bộ, CNVCLĐ, trong đó nữ có 2.360 người, chiếm tỉ lệ 68,6%. Hoạt động nữ công nói chung và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” nói riêng đã phát huy tinh thần nhiệt huyết của chị em, gắn kết lực lượng phụ nữ thành khối đoàn kết thống nhất… Qua đó, nữ CNVCLĐ trong toàn ngành y đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, biết hòa mình vào tập thể, đưa lợi ích tập thể và hạnh phúc của người bệnh lên trên hết, toàn tâm toàn ý tập trung hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, các đơn vị đã bình xét đề nghị công nhận lao động tiên tiến cho trên 95% chị em; số nữ CNVCLĐ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 89%.

Để thực hiện tốt công tác nữ công, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Với sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp công đoàn, công tác tuyên truyền giáo dục trong nữ CNVCLĐ được đẩy mạnh. Ban nữ công công đoàn các cấp còn vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động; động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, vừa lao động sản xuất, công tác, vừa tích cực học tập, cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm hay, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất.

Cùng với ban chấp hành công đoàn, ban nữ công quần chúng đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ, từ đó phản ánh, đề xuất, kiến nghị với công đoàn cấp trên; kiến nghị chủ sử dụng lao động quan tâm, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chăm lo và cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống cho lao động nữ, nhất là tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông lao động nữ. Tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thuyết phục với chủ doanh nghiệp ký kết các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ...

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với các phong trào thi đua như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… được các cấp công đoàn tổ chức với nhiều hình thức phong phú. Qua đó, nhiều ban nữ công quần chúng với các mô hình hoạt động phù hợp nhu cầu nguyện vọng của lao động nữ, mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ.

Kết quả đạt được của hoạt động nữ công thời gian qua thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp công đoàn dành cho lao động nữ, tạo điều kiện cho chị em phát huy tốt nhất vai trò và khả năng của mình trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156451&title=nang-cao-hieu-qua-cong-tac-nu-cong