Nâng cao hiệu quả công tác vận động, quản lý sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài
Thời gian qua, công tác thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình, dự án viện trợ PCPNN kết hợp, lồng ghép với các kế hoạch, chương trình của địa phương đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
MAG là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn nhân đạo tại các khu vực đã hoặc đang xảy ra chiến sự, được thành lập tại Vương quốc Anh vào năm 1989. MAG bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị từ năm 1999. 25 năm qua, Tổ chức MAG đã hoàn thành việc rà phá gần 180 triệu m2 đất và bàn giao đất sạch cho người dân Quảng Trị canh tác, trồng trọt.
Trong đó có 800 hiện trường rà phá gắn với phát triển với tổng diện tích là 5,73 triệu m2 phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng các công trình trường học, trạm y tế, đường giao thông, khu tái định cư...
Phát hiện và hủy nổ thành công trên 230.000 vật nổ các loại, góp phần mang lại cuộc sống an toàn cho gần 700.000 người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, MAG đã thực hiện hơn 1.000 hoạt động truyền thông giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho gần 15.000 người dân tại các địa phương trong tỉnh.
Ngoài Tổ chức MAG, các dự án về lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, người khuyết tật còn có các tổ chức như: ACDC, NPA, PTVN, Medipeace, GWHF, Oxfam Novib...; các dự án về y tế có các tổ chức: Federation Handicap International, The German Caritas Association, Medipeace, Family Health International, Plan International... Mặt khác, còn có rất nhiều dự án về nông nghiệp và PTNT, phát triển kinh tế - xã hội do các tổ chức: NEDO, WVI, GCS, Zhi Shan Foundation, PTVN, Care International... tài trợ đã hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo việc làm giúp cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, người khuyết tật.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin với các tổ chức PCPNN và nhà tài trợ khác thông qua cơ quan đầu mối vận động viện trợ PCPNN là Sở Ngoại vụ.
Theo đó, Sở Ngoại vụ đã tích cực thúc đẩy mở rộng quan hệ đối tác giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, cơ sở với các tổ chức PCPNN nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực theo định hướng chung của tỉnh.
Các hoạt động tiếp xúc, làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác PCPNN luôn được thông tin trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử Sở Ngoại vụ, các kênh báo chí địa phương.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo công tác phi chính phủ và tham gia các hoạt động vận động, gây quỹ ở trong nước và nước ngoài. Điều này đã thể hiện một cam kết rất lớn của lãnh đạo tỉnh đối với các nhà tài trợ, do vậy tạo điều kiện thuận lợi cho việc tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức.
Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ, các tổ chức PCPNN đã hỗ trợ một nguồn viện trợ quan trọng cho đầu tư phát triển xã hội, đóng góp 2,24% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và 13,1% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2023.
Trong đó, trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với các chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, các dự án, phi dự án đã góp phần cải thiện điều kiện sinh kế, nâng cao chất lượng sản xuất, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, người khuyết tật.
Rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có chất lượng, hiệu quả đã được nhân rộng, phát huy hiệu quả như: Mô hình nuôi dê sinh sản do tổ chức Plan International tài trợ trên địa bàn huyện Hướng Hóa; mô hình nuôi bò sinh sản do tổ chức Global Civic Sharing/Hàn Quốc (GCS) tài trợ; các mô hình trồng tiêu do tổ chức PTVN, Roots of Peace tài trợ; mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Triệu Phong; các chương trình Phát triển vùng, chương trình tài chính vi mô do World Vision International (WVI) tài trợ...
Phát triển, cải thiện điều kiện về y tế, các khoản viện trợ tập trung vào nhóm hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng (trong đó có bà mẹ và trẻ em), nhãn khoa, khám và sàng lọc ung thư tử cung, phòng chống suy dinh dưỡng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cải thiện môi trường sống nhằm bảo vệ sức khỏe.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, các khoản viện trợ góp phần giúp các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh cải thiện đáng kể điều kiện cơ sở vật chất thông qua việc tài trợ xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa trường học, phòng học, thư viện, nhà mẫu giáo..., giúp học sinh tăng cường hiểu biết về các tác hại của bom mìn gây ra, tích lũy kiến thức, kỹ năng để nhận biết và phòng tránh các nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra.
Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cũng đã tiếp cận đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật; hỗ trợ phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện các nội dung tại Quyết định số 3315/QĐ-UBND ngày 2/12/2019 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, Quyết định số 01/2022/QĐ- UBND ngày 28/1/2022 ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó định hướng rõ ưu tiên vận động theo địa bàn và lĩnh vực.
Rà soát, kiện toàn các cơ chế hợp tác đã triển khai trong giai đoạn 2020-2022 để áp dụng cho giai đoạn 2023-2025, đồng thời ban hành các định hướng và chính sách phù hợp với thực tiễn. Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức PCPNN đã và đang hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, mở rộng quan hệ với các tổ chức PCPNN có tiềm năng.
Duy trì và nâng cao giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN, gắn với nâng cao hiệu quả của viện trợ PCPNN thông qua việc tăng cường giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực hợp tác với các tổ chức PCPNN.