Nâng cao hiệu quả dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tích cực quan tâm, giúp Nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no.

Những ngày cuối Thu, chúng tôi có dịp về thăm Bản Khao, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên. Trong ngôi nhà mới khang trang, ông Vàng Seo Vảng, dân tộc Mông phấn khởi khi được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Bảo Yên hỗ trợ sửa nhà để có nơi ở tốt hơn. Ông Vảng cho biết, gia đình đã cam kết không nghe kẻ xấu tuyên truyền theo đạo trái quy định của pháp luật mà chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng cuộc sống ấm no.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Điện Quan cho biết: Bản Khao hôm nay đã đổi thay nhiều, cuộc sống của đồng bào Mông ngày càng no ấm. Thời điểm năm 2023, qua công tác nắm tình hình trong Nhân dân, xã phát hiện có 2 hộ dân với 15 nhân khẩu theo tà đạo “Bà Cô Dợ”. Với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến cuối năm 2023, 2 hộ dân đã từ bỏ tà đạo Bà Cô Dợ, trở lại cuộc sống bình thường.

Để giúp Nhân dân Bản Khao có cuộc sống thêm ấm no, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện tổ chức nhiều hoạt động dân vận hướng về cơ sở. Điển hình như mô hình “Hỗ trợ sinh kế, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc”. Thông qua việc tổ chức hiệu quả các nội dung của mô hình, đồng bào Mông thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Bà Nguyễn Thị Cương, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên cho biết: Thời gian qua, Bảo Yên đã thực hiện mô hình “Hỗ trợ sinh kế, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc”, tập trung vào những thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số đã từ bỏ các tổ chức đạo trái pháp luật, giúp Nhân dân ổn định cuộc sống.

Huyện đang triển khai một số mô hình dân vận, như “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” giai đoạn 2023 - 2025, thực hiện tại 100% xã có đồng bào Mông sinh sống; xây dựng “Chính quyền thân thiện”; “10 phút góp phần cải thiện môi trường”; “Cùng nhau về thôn” giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, qua đó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Cương, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên

Tại huyện Bắc Hà, công tác dân vận tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ sự chỉ đạo của huyện, các ngành, địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung phát triển một số cây, con chủ lực, như quế, dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, ngựa, cá nước lạnh…

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như cây quế tại các xã vùng thấp Bảo Nhai, Nậm Lúc, Nậm Đét, Nậm Khánh; cây lê, mận Tả Van và cây dược liệu ở các xã vùng cao Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Lùng Cải, Lùng Phình; cây mận Tam hoa ở khu vực trung tâm huyện; chăn nuôi lợn đen ở các xã vùng cao và trung tâm huyện; chăn nuôi ngựa ở Tà Chải, Na Hối…

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà, để đưa nghị quyết vào cuộc sống thì công tác dân vận của Đảng có vai trò rất quan trọng, cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, tích cực vận động gia đình, dòng họ thay đổi tư duy trong lao động sản xuất; các cơ quan nhà nước tăng cường công tác dân vận, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; phát huy vai trò nòng cốt, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên dương, khen thưởng kịp thời, nhân rộng và lan tỏa những mô hình hay, cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% tổng dân số; 140 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 603 thôn đặc biệt khó khăn. Làm thế nào để các thôn, bản ngày càng khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm hàng đầu.

Theo bà Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, việc tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận đang được tỉnh và các địa phương chú trọng. Trong đó, việc đổi mới công tác dân vận để xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong 9 tháng năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dân vận; xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp năm 2024; xây dựng Đề án mô hình điểm dân vận khéo “Làng văn hóa tiêu biểu”. Toàn tỉnh tổ chức được 130 hội nghị tuyên truyền, vận động trực tiếp với trên 14.000 người tham gia, trong đó, có hàng chục hội nghị tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các cấp, các ngành tổ chức nhiều đợt tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến Nhân dân, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì được 1.407 mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có 197 mô hình tiêu biểu, điển hình, như: “Dòng họ không có tảo hôn” tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (Mường Khương); “Khu dân cư không tệ nạn xã hội” tại thôn Tả Trang, xã Quang Kim (Bát Xát); “Tự quản đường biên mốc giới” và “Tổ tự quản an ninh trật tự ở khu vực biên giới” tại huyện Mường Khương, Si Ma Cai; “Xây dựng điểm sinh hoạt tôn giáo bình yên” tại xã Tả Củ Tỷ và xã Cốc Ly (Bắc Hà)…

Trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận; chú trọng công tác nắm tình hình Nhân dân, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo, dân vận chính quyền, thực hiện dân chủ ở cơ sở và xây dựng mô hình “dân vận khéo”.

Với tinh thần “lấy dân làm gốc”, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đang tích cực quan tâm, đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, hiệu quả, để tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong Nhân dân, chung sức xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.

Trần Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-hieu-qua-dan-van-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post391981.html