Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn

Tổ trưởng tổ TK&VV (phải) ở xã Xuân Bình, TX Sông Cầu trao đổi thông tin với hộ vay để củng cố hồ sơ vay vốn. Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) thường xuyên triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn (TK & VV), xem đây là “cánh tay nối dài” trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo phát huy hiệu quả.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, NHCSXH Phú Yên yêu cầu các phòng giao dịch trực thuộc rà soát, sắp xếp hồ sơ và chấn chỉnh hoạt động của các tổ TK&VV trên địa bàn tỉnh.

Khẩn trương rà soát, sắp xếp hồ sơ

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Bích Hằng, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Phú Xuân B (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) tất bật với việc rà soát, sắp xếp hồ sơ của tổ viên vay vốn. Theo chị Hằng, chị làm tổ trưởng tổ TK&VV hơn 10 năm nay nên nắm rất rõ những quy định của ngân hàng trong việc lưu trữ hồ sơ, giấy tờ của tổ.

Tuy nhiên, công việc nhiều nên đôi khi cũng không tránh khỏi sai sót. Đợt này, chị Hằng và các tổ trưởng tổ TK&VV trên địa bàn được hướng dẫn lưu trữ hồ sơ, giấy tờ theo ba nội dung.

Một là hồ sơ pháp lý; hai là biên bản họp tổ; ba là hồ sơ, giấy tờ khác (danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH, thông báo kết quả phê duyệt cho vay, bảng kê thu lãi - thu tiền gửi - thu nợ gốc...) lưu trữ theo thứ tự phát sinh. “Hiện tổ của tôi còn 26 tổ viên với dư nợ gần 1,4 tỉ đồng và không có nợ quá hạn.

Sau khi họp tổ, xác nhận số lượng tổ viên, đối chiếu thông tin đầy đủ, tôi sắp xếp lại hồ sơ theo hướng dẫn. Theo tôi, việc sắp xếp, lưu trữ như thế này rất khoa học, giúp tổ trưởng dễ tìm kiếm khi cần các giấy tờ liên quan, cũng như tránh thất lạc hồ sơ”, chị Hằng nói.

Tại huyện Phú Hòa, sau khi nhận được chỉ đạo từ NHCSXH Phú Yên, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã phân công cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn chủ động phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác ở cơ sở cung cấp danh sách tổ viên tổ TK&VV đến thời điểm rà soát và thông báo đến ban quản lý tổ những nội dung cần tiến hành rà soát, khắc phục của tổ. Ngân hàng cũng tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý tổ TK&VV tiến hành họp tổ dưới sự chủ trì của tổ trưởng, có sự giám sát, chứng kiến của các hội đoàn thể và trưởng thôn.

Nội dung cuộc họp bao gồm: xác nhận danh sách tổ viên đến thời điểm họp tổ; rà soát, khắc phục những điểm còn sai sót; tiếp tục phổ biến, quán triệt quy ước hoạt động của tổ; thống nhất mức tiền gửi tổ viên tối thiểu hàng tháng...

“Trên cơ sở biên bản họp tổ TK&VV và hồ sơ lưu tại ngân hàng, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Hòa sẽ đối chiếu thông tin tại hồ sơ lưu với thông tin trên hệ thống và cập nhật thông tin khách hàng, số lượng tổ viên đối với các trường hợp chưa chính xác để khớp đúng với hồ sơ của tổ và tổ viên”, ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Hòa cho biết.

Chấn chỉnh hoạt động của tổ

Không chỉ yêu cầu rà soát, sắp xếp hồ sơ vay vốn, đợt này, NHCSXH còn yêu cầu tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động tổ TK&VV. Cụ thể là đảm bảo việc bình xét cho vay, kiểm soát và xét duyệt hồ sơ đề nghị vay vốn đúng quy định; sắp xếp tổ viên trong tổ theo cụm dân cư liền kề.

Tăng cường tập huấn, hướng dẫn ban quản lý tổ TK&VV trong việc quản lý, theo dõi tổ viên ra vào tổ, ghi chép biên lai, biên bản họp tổ, lưu giữ hồ sơ của tổ; hướng dẫn tổ chức chính trị - xã hội cấp xã việc kiểm tra sau cho vay, kiểm tra hoạt động của tổ TK&VV theo quy định...

Theo NHCSXH, thời gian qua, chi nhánh các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV. Tuy nhiên, qua theo dõi hoạt động của tổ vẫn còn một số tồn tại như: việc kết nạp bổ sung tổ viên, cho tổ viên ra khỏi tổ, theo dõi tổng số tổ viên không chính xác; biên bản họp tổ lưu giữ không đầy đủ, sắp xếp thiếu khoa học; thông tin tổ viên trên hệ thống không khớp đúng với hồ sơ của tổ; biên bản họp tổ thiếu nội dung thống nhất mức tiền gửi tổ viên hàng tháng; tổ viên trong tổ chưa liền canh, liền cư...

Do đó, việc rà soát, sắp xếp hồ sơ, chấn chỉnh hoạt động tổ TK&VV lần này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ và khắc phục những tồn tại lâu nay.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của NHCSXH, chi nhánh đã yêu cầu các phòng giao dịch trực thuộc khẩn trương sắp xếp, kiện toàn hoạt động của các tổ TK&VV trên địa bàn tỉnh. Hiện Phú Yên có 2.248 tổ TK&VV đang hoạt động, dư nợ bình quân gần 1,4 tỉ đồng/tổ, trong đó có 1.952 tổ không có nợ quá hạn, chiếm hơn 86,8%. Kết quả đánh giá xếp loại tổ năm 2020 có 2.007 tổ tốt, chiếm 89,28%; 195 tổ khá, chiếm 8,67%; 42 tổ trung bình, chiếm 1,87%; 4 tổ yếu, chiếm 0,18%. Chi nhánh phấn đấu đến cuối năm nay, 99% tổ TK&VV xếp loại tốt, khá, trong đó trên 90% tổ xếp loại tốt; không có tổ TK&VV xếp loại yếu.

Hiện Phú Yên có 2.248 tổ TK&VV đang hoạt động, dư nợ bình quân gần 1,4 tỉ đồng/tổ, trong đó có 1.952 tổ không có nợ quá hạn, chiếm hơn 86,8%... Chi nhánh phấn đấu đến cuối năm nay, 99% tổ TK&VV xếp loại tốt, khá, trong đó trên 90% tổ xếp loại tốt; không có tổ TK&VV xếp loại yếu.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253682/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-to-tiet-kiem-va-vay-von.html