Nâng cao hiệu quả nghề chế biến cá hấp
Được hình thành từ năm 2005 với 3 cơ sở ban đầu tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, đến nay, toàn huyện Gio Linh đã có gần 70 cơ sở chế biến cá hấp tập trung ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt với tổng công suất khoảng 14.000 tấn/ năm. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì nghề chế biến cá hấp cũng mang đến những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động… Trước thực trạng đó, nhiều chủ lò chế biến cá hấp ở Gio Linh đã áp dụng những tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất và bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Hạn chế nguy cơ mất an toàn lao động
Với mục tiêu giảm thiểu sức lao động, đảm bảo an toàn cho người sản xuất, ông Hoàng Minh Thảo, ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt đã quyết định lắp đặt hệ thống cẩu tời chạy bằng điện có công suất 1,5 kW để cẩu các vỉ cá đưa vào nồi hấp và từ trong các nồi hấp ra đưa đi phơi thay cho việc sử dụng sức người để gánh như trước đây. Trao đổi với chúng tôi, ông Thảo cho biết: Các lò hấp cá thường được xây bằng bê tông cao, bên trong là những nồi hấp chứa nước nóng hơn 100 độ C liên tục sôi. Các loại cá biển như cá nục, cá cơm sau khi được trộn với muối sẽ được rải đều trên các vỉ hấp và đưa vào hấp trong các nồi hấp từ 5 - 7 phút trước khi đưa ra sân phơi. Nếu như sử dụng sức người để gánh thì mỗi lần với 2 người chỉ gánh được khoảng 10 - 12 vỉ, tương đương 40 - 50 kg; trong khi sử dụng hệ thống cẩu tời chạy bằng mô tơ điện này thì năng suất tăng lên gần gấp hai lần, mỗi lần hấp có thể đạt từ 18 - 20 vỉ, tương đương 80 - 100 kg. Bên cạnh giảm thiểu sức lao động, theo ông Thảo, điểm quan trọng nhất của hệ thống cẩu tời này là đã góp phần hạn chế nguy cơ mất an toàn lao động cho người trực tiếp sản xuất. Cụ thể, do đặc thù của nghề chế biến cá hấp nên trong lò hấp cá luôn trơn trượt do nước thải từ cá chảy ra. Khi gánh nặng, nền lò lại trơn trượt nên đã có nhiều trường hợp người làm bị trượt ngã vào nồi hấp cá gây bỏng tay, chân. Do vậy, việc sử dụng cẩu tời để đưa các vỉ cá vào nồi hấp và lấy ra đưa đi phơi đã giúp người trực tiếp sản xuất không phải gánh nặng, không cần tới gần các nồi hấp, hạn chế được nguy cơ trượt ngã nguy hiểm.
Theo nhận xét cua các chủ lò hấp cá, giá thành của một bộ cẩu tời không quá cao, chỉ trên dưới 10 triệu đồng trong khi hiệu quả mang lại là rất rõ rệt, giảm được gần 1/2 công lao động, bình quân một lò từ 10 - 12 người làm nay chỉ còn 6 - 7 người làm; đặc biệt hiện tượng bị bỏng do nước sôi, than nóng cũng giảm hẳn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Trần Thanh Hải, hiện nay trên địa bàn xã có tổng cộng 35 lò chế biến cá hấp. Việc lắp đặt hệ thống cẩu tời tự động bằng điện thay cho việc sử dụng sử dụng sức người trong một số công đoạn hấp cá là hết sức cần thiết. Không chỉ giúp tăng năng suất chế biến mà còn đảm bảo an toàn cho người lao động. “Nhận thấy ưu điểm của hệ thống cẩu tời đối với nghề chế biến cá hấp nên sau khi một vài hộ ban đầu lắp đặt, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các chủ lò cải tạo lại nhà xưởng để làm theo. Đến thời điểm này, toàn bộ lò hấp cá trên địa bàn xã đã lắp đặt hệ thống cẩu tời này. Nhiều lò hấp cá lớn còn nghiên cứu lắp đặt hai hệ thống cẩu tời đưa cá vào lò hấp và nhấc ra khỏi lò riêng biệt để không chỉ tăng công suất chế biến mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ mất an toàn lao động, góp phần thúc đẩy nghề chế biến cá hấp tại địa phương phát triển”, ông Hải cho biết thêm.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
“Nhanh sôi, nhiệt độ sôi ổn định, giảm được chi phí sản xuất; đặc biệt là giảm được ô nhiễm môi trường do không còn tình trạng lò hấp cá luôn mù mịt khói nóng, tro bụi”, đó là khẳng định của ông Lê Văn Hiếu ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ lò hấp cá sử dụng điện đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi về việc lắp đặt lò hấp cá bằng điện, ông Hiếu cho biết: Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề chế biến cá hấp, nhận thấy những bất cập của lò hấp cá truyền thống sử dụng chất đốt là củi than có nhiệt độ không ổn định, thải ra nhiều khói nóng, tro bụi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp hấp cá và làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Trong một lần đến thăm nhà một người bạn có nghề làm bún sử dụng lò nấu bằng điện, ông chợt nảy ra ý tưởng dùng điện để đun sôi nước trong lò hấp cá của mình. Ngay khi trở về ông bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu và quyết định đập bỏ lò hấp cá cũ của mình, đầu tư gần 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống lò hấp mới gồm 3 nồi hấp chạy hoàn toàn bằng điện với tổng công suất gần 120 kW; mỗi nồi sử dụng 6 dây may so riêng biệt (còn gọi là con sò) để đun nóng nước. Theo ông Hiếu, do môi trường trong các lò hấp cá có độ mặn rất cao nên các con sò được làm bằng inox không rỉ loại tốt để tránh hiện tượng ăn mòn do muối làm rò rỉ điện, gây nguy hiểm cho người trực tiếp sản xuất; ngoài ra ông còn lắp đặt thêm hệ thống rơ le chống giật, sử dụng dây điện có chất lượng cao…
Chia sẻ về ưu điểm của lò hấp cá bằng điện này, ông Hiếu cho biết: Nếu như trước đây trong lò hấp cá luôn trong tình trạng mù mịt khói nóng, tro bụi, nóng rát do do hơi nóng từ lửa trong lò tỏa ra, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như môi trường xung quanh thì giờ đây hoàn toàn không còn tình trạng đó nữa. Sử dụng lò hấp bằng điện nhiệt độ sôi của nước luôn được giữ ổn định; việc tăng giảm nhiệt độ sôi của nước trong các nồi hấp chỉ cần bật, tắt công tắc điều khiển các con sò. Ngoài ra, theo tính toán của ông Hiếu, nếu sử dụng củi than thì trung bình để hấp được 1 tấn cá phải tiêu tốn khoảng 400 - 450 ngàn đồng, trong khi sử dụng điện chỉ mất khoảng 300 ngàn đồng, góp phần giảm chi phí sản xuất. “Bình quân một tháng lò hấp cá của tôi sản xuất được khoảng 40 tấn cá, tính ra chỉ riêng sử dụng điện đã giúp tôi tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, do lò hấp cá đốt bằng củi than làm nhiệt độ trong lò rất cao nên chỉ được khoảng 3 năm là các lò hấp đều bị nứt, phải đập bỏ để xây lại lò mới. Trong khi lò hấp bằng điện này chỉ sử dụng con sò để làm sôi nước trong các nồi hấp nên nhiệt độ vừa phải, do vậy các lò hấp không bị ảnh hưởng gì”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Trần Đình Cảm, với những ưu điểm của mô hình lò hấp cá bằng điện đầu tiên của ông Hiếu, đến nay đã có 2 hộ làm theo. “Với những hiệu quả hết sức rõ ràng của mô hình sử dụng điện thay thế cho củi than trong chế biến cá hấp nên hầu hết các lò hấp cá trên địa bàn thị trấn đều có nhu cầu chuyển đổi sang sử dụng điện. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay đó là nguồn điện không đủ đáp ứng, do đó mong muốn của các lò hấp cá là được hỗ trợ lắp đặt thêm trạm biến áp và đường dây điện mới”, ông Cảm cho hay.
Hướng đến xây dựng các khu chế biến tập trung
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng đánh giá rất cao hiệu quả mang lại từ việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật trong chế biến cá hấp, vừa đảm bảo an toàn lao động, vừa giảm ô nhiễm môi trường do không còn khói bụi của củi than, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh có các chính sách khuyến công nhằm hỗ trợ người dân trong việc nhân rộng các mô hình này, UBND huyện sẽ đề nghị Công ty Điện lực Quảng Trị khảo sát, tăng công suất nhằm đảm bảo cho các lò hấp cá hoạt động ổn định. Về giải pháp lâu dài, trên cơ sở cụm công nghiệp rộng gần 20 ha đã được phê duyệt, UBND huyện sẽ kiến nghị với UBND tỉnh trong việc ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng cụm chế biến thủy sản tập trung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, thuận tiện trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác; tiến tới chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm chế biến nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145190