Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa học đường
Tại Hội nghị 'Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường', do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức chiều 22/8, các ý kiến trao đổi, thảo luận của nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định: Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đòi hỏi sự chuẩn mực, gương mẫu và trách nhiệm
Nhận định văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc, tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng: Hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử, trong các mối quan hệ cơ bản của học đường.
Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất. Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy” vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc của học sinh, sinh viên và phụ huynh. Cùng với đó là tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… Đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, cần nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hóa học đường, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết đề nghị trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội, đội phối hợp chặt chẽ để triển khai nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa trong học đường; Tiếp tục phối hợp để gia tăng số lượng, tần suất tổ chức các cuộc thi, chương trình, diễn đàn cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới; Đồng thời, quan tâm, tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ các thầy cô giáo về vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa trong học đường…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hai trọng tâm lớn để xây dựng văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, con người chuẩn mực.
Đối với giáo viên, trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, người thầy luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh, coi là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lối sống. Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn, do đó phải yêu cầu sự chuẩn mực, gương mẫu, đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm.
Đối với học sinh, sinh viên, các em phải được bồi dưỡng, rèn luyện trong các giờ học, các hoạt động của nhà trường để hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách..., bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, việc xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học cần thực hiện một cách khoa học, không áp đặt, không cầu toàn. Các giá trị văn hóa được hình thành qua các hoạt động thực tiễn để từng thành viên trong nhà trường bao gồm quản lý, giáo viên, học sinh, người lao động đều thẩm thấu, hình thành và giữ gìn nét văn hóa học đường.
Nâng cao bản lĩnh và sức đề kháng về văn hóa cho học sinh
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Văn hóa là phạm vi rất rộng lớn và hết sức quan trọng. Sự rộng lớn ấy dẫn đến khó khăn vì dễ rơi vào mơ hồ, không biết làm từ đâu và cần phải làm gì. Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ đã giải tỏa điều này khi xác định được những điểm rất quan trọng, cụ thể và chỉ rõ những việc cần làm.
Đối với ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng, vấn đề văn hóa thực ra còn rộng lớn hơn, với 2 phương diện được xác định, đó là: Phương diện giáo dục văn hóa và phương diện văn hóa giáo dục. Vấn đề bàn trong hội nghị hôm nay - văn hóa học đường - là một phần giáo dục văn hóa, với tư cách là những gì ngành Giáo dục tác động vào, hướng đến và tạo ra.
Cũng theo Bộ trưởng, muốn có giáo dục văn hóa tốt, văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên một cơ sở bao quát và rộng lớn; điều này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể làm được. Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tập trung lưu ý một số nội dung cụ thể.
Trước hết là triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những vấn đề thuộc về hệ giá trị đã nêu ra trong Chương trình mới đều đã có. Đặc biệt lưu ý triển khai tốt những môn học mới và giáo dục về thẩm mĩ, những yếu tố giáo dục rất có tác dụng trong việc phát triển con người. Làm thật tốt điều này là một bước quan trọng của gây dựng, phát triển văn hóa học đường từ góc độ nội dung cốt lõi.
Bên cạnh đó, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường; đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất. Đồng thời, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Trong đó phải lấy tinh thần khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để gây dựng yếu tố văn hóa đối với người thầy.
Cùng với đó, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh cần tham gia. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo.
“Chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để giữ cho đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.