Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tủ sách pháp luật
Được coi là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực tại cơ sở, thời gian qua, tủ sách pháp luật đã góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, mô hình tủ sách pháp luật truyền thống đã không phát huy được hết vai trò, bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy cần phải đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền.
Đến xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu. Tủ sách pháp luật của xã được đặt ngay ở bộ phận một cửa, trang bị nhiều đầu sách pháp luật về các lĩnh vực, như: Đất đai, hành chính, an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình... Tuy nhiên, dù có nhiều người đến làm thủ tục hành chính tại đây, song rất ít người tìm đến tủ sách pháp luật để tìm hiểu, tra cứu văn bản pháp luật.
Đồng chí Lường Văn Nhập, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngàm, cho biết: Tủ sách pháp luật của xã hiện nay có trên 20 đầu sách. Hằng năm, tủ sách vẫn được cập nhật đầu sách mới, nhưng trung bình chỉ có vài chục lượt người đọc, chủ yếu là cán bộ, công chức xã tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu xử lý công việc. Ngoài ra, hiếm khi có người dân tìm đến tủ sách pháp luật để tra cứu, tìm hiểu.
Cũng như xã Chiềng Ngàm, tủ sách pháp luật tại xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu hằng năm cũng chỉ có vài chục lượt người đến đọc, mượn tài liệu. Anh Quàng Văn Luân, công chức Tư pháp – hộ tịch xã, cho biết: Trước đây, tủ sách pháp luật thu hút đông cán bộ, nhân dân trong xã đến mượn đọc, tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật. Gần đây, công nghệ thông tin phổ biến, đời sống được nâng cao, có điện thoại thông minh, ti vi để xem thì việc người dân đến đọc sách và tra cứu tài liệu tại tủ sách pháp luật ngày càng giảm.
Khi được hỏi đã lần nào đến xã để tìm sách đọc chưa? Anh Quàng Văn Chôm, bản Nà Cài, xã Chiềng Ly đến chứng thực một số giấy tờ tại xã, lắc đầu: Có biết đến tủ sách pháp luật ở xã nhưng từ trước đến nay, tôi cũng chưa mượn đọc bao giờ. Bây giờ thông tin trên mạng rất nhiều, muốn tìm hiểu vấn đề gì tôi chỉ cần vào điện thoại để tìm kiếm. Với lại tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở xã chỉ mở cửa theo giờ hành chính, người dân lao động như chúng tôi không thể bố trí thời gian đến, buổi tối tranh thủ muốn tìm hiểu thì xã đã đóng cửa nên không thể tra cứu được.
Còn tại phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tuy tủ sách pháp luật cũng được bố trí thuận tiện ngay tại cửa ra vào của bộ phận một cửa với nhiều đầu sách nhưng cửa tủ bị buộc dây cố định, đóng thường xuyên vì lý do ít người đọc sách.
Chị Tòng Thị Hương, công chức Tư pháp – Hộ tịch phường Chiềng Cơi, chia sẻ: Hằng năm lượng sách vẫn được bổ sung, nhưng số lượng người dân đến đọc hoặc mượn sách thì rất ít, đa số là cán bộ hưu trí, người cao tuổi. Hầu như người dân hay cán bộ, công chức nào cũng đã có điện thoại thông minh, đến trụ sở làm việc thì có máy tính kết nối internet nên khi cần tìm hiểu thông tin hay tra cứu nội dung liên quan đến pháp luật đều dùng mạng. Do đó, ít người đến tìm sách để tìm hiểu các quy định pháp luật.
Hiện, toàn tỉnh có 227 tủ sách pháp luật, trong đó có 114 tủ sách pháp luật thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và 113 tủ sách pháp luật thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Có thể thấy, thực trạng vắng người đọc, “thờ ơ” với tủ sách pháp luật đang diễn ra tại đa số các xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Trước những hạn chế, bất cập trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTG ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu sử dụng, khai thác tủ sách pháp luật; thực hiện quy trình cập nhật sách, tài liệu pháp luật trên tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, xác định nhu cầu sử dụng tủ sách pháp luật tại các địa phương, đơn vị để có giải pháp hiệu quả.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tủ sách pháp luật, tránh lãng phí đầu tư của Nhà nước, Sở Tư pháp đã tham mưu chỉ đạo sáp nhập tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn với thư viện hoặc điểm bưu điện - văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng. Phân công cán bộ được giao quản lý thư viện xã hoặc điểm bưu điện - văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác sách, tài liệu pháp luật theo quy định; công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm tham mưu, rà soát sách hết hiệu lực, bổ sung, cập nhật các sách, tài liệu mới phù hợp nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, người dân.
Đồng chí Tòng Thị Hạnh, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, cho biết: Ngoài việc duy trì tủ sách truyền thống, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ nghiên cứu xây dựng tủ sách pháp luật điện tử cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý người đọc hiện nay.
Việc duy trì tủ sách pháp luật tại cơ sở vẫn cần thiết để cho cán bộ, công chức, người dân tra cứu, áp dụng chính xác quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ được giao và giải quyết công việc liên quan đến chính sách, pháp luật, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới thiếu thốn về cơ sở vật chất, người dân không dễ dàng tìm kiếm thông tin pháp luật trên môi trường mạng.
Phát huy hơn nữa hiệu quả tủ sách pháp luật, thu hút người dân đến đọc, tìm hiểu, vấn đề quan trọng vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tủ sách pháp luật, cũng như văn hóa đọc. Đổi mới trong quản lý và khai thác tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị, để tủ sách pháp luật thực sự trở thành một kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.