Nâng cao kỹ năng cho đội ngũ chăm sóc 'con người xã hội'

Các học viên CTXH trao đổi tại một lớp học về kỹ năng CSSK cộng đồng. Ảnh KIM CHI

Trong thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức nhiều lớp học nâng cao kỹ năng công tác xã hội (CTXH) cho đội ngũ cộng tác viên, nhân viên CTXH (gọi chung là nhân viên CTXH) trên địa bàn toàn tỉnh.

Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) Đinh Viết Hậu cho biết: Các lớp bồi dưỡng kiến thức công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cộng đồng nhằm trang bị thêm kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng CTXH cho nhân viên CTXH để họ có đầy đủ kỹ năng trong xử lý tình huống, chăm sóc người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng, nhất là các đối tượng phụ nữ và trẻ em, người bệnh tâm thần…

Cầu nối giữa cộng đồng và các dịch vụ y tế

Theo ThS Hoàng Thị Hoài Thu, giảng viên Khoa CTXH, Trường đại học Lao động - Xã hội (cơ sở II), nhân viên CTXH cần nắm rõ vai trò, mục tiêu và phạm vi hoạt động của mình trong công tác CSSK cộng đồng. Nếu vai trò của ngành Y tế chủ yếu chăm sóc “con người sinh học” thì nhân viên CTXH nói chung và tại tuyến cộng đồng nói riêng tập trung vào nâng cao năng lực, hỗ trợ và chăm sóc “con người xã hội”.

Thực tế, vai trò của nhân viên CTXH trong CSSK cộng đồng cũng hết sức đa dạng như: đánh giá, thúc đẩy, hòa giải, vận động, tư vấn, tổ chức, trị liệu, lập kế hoạch, giám sát, nghiên cứu… Nhân viên CTXH được ví như cầu nối giữa cộng đồng và các dịch vụ y tế xã hội nhằm hướng đến một sức khỏe thực thể và sức khỏe tâm trí khỏe mạnh. Thông qua quá trình hợp tác với các nhóm chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau, nhân viên CTXH chủ yếu tập trung vào can thiệp sớm, dự phòng và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Đây là yếu tố chính trong CSSK ban đầu.

Anh Nguyễn Văn Tòng, nhân viên CSSK người tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, tham gia lớp học, chia sẻ: Việc chăm sóc, quản lý sức khỏe cho các đối tượng bảo trợ, tâm thần tại trung tâm rất khó khăn. Nếu không có kỹ năng CTXH thì rất khó tiếp cận, thăm khám và chăm sóc. Vì vậy, tham gia lớp học, chúng tôi được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tiếp cận với người bệnh ngay từ ban đầu”.

“Khái niệm CSSK cho một cộng đồng cũng có những điểm tương đồng với CSSK cho từng cá nhân. Khi nói đến CSSK cá nhân có nghĩa là nói đến các hoạt động nhằm tăng cường sức khỏe của cá nhân đó… Đây chính là vai trò của chăm sóc y tế ban đầu”, ThS Hoài Thu phân tích và đưa ra ví dụ cụ thể: Đối với vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở một xã A, nhân viên CTXH cần lập kế hoạch can thiệp như thế nào để giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng? Trước hết, nhân viên CTXH tổ chức các cuộc họp thôn để phân tích tính khả thi của các giải pháp và khả năng lồng ghép với các hoạt động khác.

Lồng ghép nhiều giải pháp

Nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra đối với nhân viên CTXH khi tham gia CSSK cộng đồng là: Hướng dẫn các bà mẹ, gia đình nấu ăn và chế độ ăn cho trẻ theo độ tuổi thông qua câu lạc bộ nấu ăn; cung cấp thông tin về triệu chứng các bệnh thông thường cần đưa trẻ đến trạm y tế khám; hướng dẫn bà mẹ cân đo trẻ hàng ngày tại trạm y tế để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Các giải pháp này được đánh giá có thể lồng ghép vào các hoạt động của trạm y tế, Hội LHPN, có khả năng thực hiện được bằng cách sử dụng chính các nguồn lực của cộng đồng.

Giải pháp quan trọng nữa là cải thiện an ninh lương thực của gia đình thông qua hướng dẫn trồng rau và nuôi gia cầm trong nhà trường. Mặc dù chi phí của giải pháp này cao hơn các giải pháp trên nhưng góp phần giảm nghèo, có thể lồng ghép thông qua các hoạt động quỹ tín dụng của Hội LHPN, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo. Riêng về kỹ thuật, giải pháp này có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ hội nông dân để các hộ có thể trồng rau và nuôi gia cầm theo mùa, đảm bảo an ninh lương thực của gia đình.

Theo chị Trần Thị Kim Thoa, chuyên viên CTXH Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), toàn tỉnh có hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, nhiều người già yếu, đau ốm, bệnh tật, rất cần được chăm sóc tại địa phương. Vì vậy, các lớp học này thiết thực đối với nhân viên CTXH cơ sở.

Giáo dục về truyền thông sức khỏe cũng được xem là một trong các phương pháp quan trọng giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ngoài phương thức truyền thông gián tiếp qua các phương tiện truyền thông, nhân viên CTXH là những người thực hiện công tác truyền thông trực tiếp bằng các hình thức nói chuyện giáo dục sức khỏe và giáo dục tư vấn sức khỏe. Kết thúc buổi nói chuyện, nhân viên CTXH cần tóm tắt những vấn đề mấu chốt cho đối tượng dễ nhớ và giới thiệu nơi liên hệ khi cần. Còn đối với hoạt động giáo dục tư vấn sức khỏe, nhân viên CTXH phải hướng đến giúp đối tượng hiểu rõ vấn đề của họ, cung cấp thông tin, thảo luận, giúp họ chọn lựa giải pháp, đưa ra quyết định thích hợp. “Điểm đặc biệt trong tư vấn sức khỏe là giúp đối tượng lựa chọn cách giải quyết vấn đề chứ không phải ép buộc thực hiện hành động theo ý kiến người tư vấn. Đây là biện pháp thích hợp để giúp đối tượng hiểu rõ vấn đề sức khỏe nhạy cảm, ví dụ như sức khỏe sinh sản”, ThS Hoài Thu nhấn mạnh.

Nhân viên CTXH được ví như cầu nối giữa cộng đồng và các dịch vụ y tế xã hội nhằm hướng đến một sức khỏe thực thể và sức khỏe tâm trí khỏe mạnh. Thông qua quá trình hợp tác với các nhóm chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau, nhân viên CTXH chủ yếu tập trung vào can thiệp sớm, dự phòng và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng.

HOÀNG LÊ - NGỌC MINH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/242305/nang-cao-ky-nang-cho-doi-ngu-cham-soc--con-nguoi-xa-hoi.html