Nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ.

Tôm chân trắng mang về doanh số xuất khẩu lớn nhất, với 1,76 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Ảnh Chu Khôi.

Tôm chân trắng mang về doanh số xuất khẩu lớn nhất, với 1,76 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Ảnh Chu Khôi.

Theo Vasep, trong 8 tháng năm 2024, tôm chân trắng mang về doanh số xuất khẩu lớn nhất, với 1,76 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tôm chân trắng sang EU tăng trưởng mạnh nhất trong top các thị trường tiêu thụ chính, tăng gần 18%. Trong đó, 3 thị trường lớn nhất trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số, lần lượt 12%, 24% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất tôm chân trắng của Việt Nam.

Đại diện Vasep cho biết, trong tuần thứ 2 của tháng 9/2024, giá tôm chân trắng ướp lạnh nguyên con tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. So với đầu tháng 8/2024, giá tôm 30 con và 40 con tăng khoảng 40%. Tôm cỡ nhỏ hơn tăng 13%-19% so với mức đầu tháng 8. Giá xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng kể từ tháng 2 năm nay. Giá xuất khẩu tôm chân trắng sang thị trường Nhật dự kiến cũng tăng do các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sẵn của Việt Nam vẫn được ưa chuộng, và đồng yên tăng giá. Đối với thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này tiếp tục xu hướng phục hồi trong tháng 8 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 477 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, dù đang lợi ưu thế nhưng thời gian tới có thể các nước khác sẽ bắt kịp và vượt Việt Nam, trong đó có cả khâu chế biến. Do đó, ngành tôm cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả (chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán).

Ông Quang cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách quy hoạch và quản lý về giống; nghiên cứu đề xuất sửa đổi về quy định đối với việc sản xuất tôm giống; cho phép các doanh nuôi tôm lớn gia hóa chọn giống theo hướng chọn lọc tự nhiên để có được tôm giống kháng bệnh, thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường của từng vùng nuôi…

Nhận định về thị trường tôm trong thời gian tới, đại diện Vasep cũng cho rằng, với dân số đông và nhu cầu thủy sản ngày càng tăng, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường Trung Quốc các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng được nâng cao, do đó, các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phải điều chỉnh, từ chất lượng hàng hóa đến tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng kịp các yêu cầu này.

Do đó, trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa các cơ hội từ các chương trình thương mại và đấu thầu quốc tế. Ngoài ra, ngành tôm cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và toàn chuỗi để bảo đảm được nguồn nguyên liệu dịp cuối năm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.Nếu giữ được đà tăng trưởng như hiện tại, mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-trong-xuat-khau-tom-10291359.html