Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp

Thời gian qua, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo phát biểu tại buổi khảo sát về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh:H.Thảo

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo phát biểu tại buổi khảo sát về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ảnh:H.Thảo

Dù vậy, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả 3 cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Nhằm tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại và nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031.

Khắc phục những hạn chế, tồn tại

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Đảng đoàn HĐND tỉnh tham mưu xây dựng đề án. Để việc tham mưu ban hành đề án được kỹ lưỡng, chặt chẽ, sát thực tiễn, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã tổ chức các đoàn khảo sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo làm trưởng đoàn khảo sát về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Dự thảo Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031 cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: HĐND cấp tỉnh hàng năm tổ chức ít nhất một nội dung giám sát chuyên đề; đối với cấp huyện, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương tổ chức ít nhất một nội dung giám sát chuyên đề. Thường trực HĐND tỉnh hàng năm tổ chức ít nhất 2 nội dung; thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã hàng năm tổ chức ít nhất một nội dung giám sát chuyên đề. Định kỳ hàng quý, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức ít nhất một phiên giải trình; thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã tùy theo tình hình thực tế tại địa phương hàng năm tổ chức ít nhất 2 phiên giải trình. Các ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm tổ chức ít nhất 2 nội dung giám sát chuyên đề; ban HĐND cấp xã hàng năm tổ chức ít nhất một nội dung giám sát chuyên đề. Các tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm tổ chức ít nhất một nội dung giám sát chuyên đề.

Theo Đảng đoàn HĐND tỉnh, qua khảo sát cho thấy, cùng với nỗ lực và những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của HĐND ở một số địa phương vẫn còn hình thức, chất lượng giám sát chưa cao, hoạt động chất vấn, giải trình chưa trở thành nề nếp, hoặc chưa đem lại hiệu quả tích cực, còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, việc tiếp nhận, đôn đốc giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của cử tri, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã. Việc chuẩn bị nội dung trình kỳ họp HĐND các cấp chưa đảm bảo thời gian quy định chậm được khắc phục, chất lượng nội dung trình còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động thẩm tra của các ban HĐND, phản biện xã hội của MTTQ.

Những hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thiếu sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, còn có một số nguyên nhân chủ quan. Đó là: một số cấp ủy Đảng cấp huyện, cấp xã chưa thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND; công tác quy hoạch cán bộ HĐND có nơi chưa được quan tâm đúng mức; số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, thiếu sự ổn định, chất lượng chưa thật sự đồng đều. Tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ giúp việc, nhất là ở HĐND cấp huyện, cấp xã chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; trưởng các ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chưa được quan tâm cơ cấu cấp ủy hoặc giới thiệu để đại hội bầu tham gia cấp ủy cùng cấp, ít nhiều ảnh hưởng đến vị thế, vai trò, hoạt động của các ban HĐND.

Theo Đảng đoàn HĐND tỉnh, Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031 sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh, khẳng định phát huy vai trò, vị trí, chức năng của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Tại thành phố Biên Hòa, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, cơ cấu trưởng 2 ban của HĐND là cấp ủy viên sẽ thuận lợi trong hoạt động, nhất là hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, tại HĐND cấp phường, xã, bí thư Đảng ủy hoặc ít nhất là phó bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, trên cơ sở các ý kiến, phản ánh của thường trực HĐND thành phố, huyện, các xã, thị trấn, Đảng đoàn HĐND tỉnh nghiên cứu, chắt lọc các nội dung phù hợp thực tiễn, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật để đưa vào Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và tham mưu ban hành đề án kỹ lưỡng, chặt chẽ, sát thực tiễn.

Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp

Ngày 29-8-2024 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp cho ý kiến về Dự thảo Đề án Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031. Qua xem xét tờ trình của Đảng đoàn HĐND tỉnh và sau khi trao đổi, thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất với nội dung đề án nêu trên; đồng thời, giao Đảng đoàn HĐND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoàn chỉnh nội dung đề án, trình Thường trực Tỉnh ủy ký ban hành trong thời gian tới đây.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát về kết quả đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát về kết quả đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai.

Dự thảo đề án đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp là: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Thường trực UBND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan liên quan. Cùng với đó là tăng cường hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ của bộ máy giúp việc HĐND các cấp.

Trong đó, về tổ chức bộ máy của HĐND các cấp, dự thảo đề án nêu rõ, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung, kiện toàn đảm bảo số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các cấp theo quy định của pháp luật. Rà soát, củng cố, kiện toàn chức danh bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND đảm bảo đúng quy định, đúng phương án nhân sự đại hội được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cơ cấu, giới thiệu bầu cấp ủy viên cùng cấp đối với trưởng các ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao vị thế, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Đề án xác định giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Trong đó, phải lựa chọn đúng, trúng trọng tâm, trọng điểm những nội dung cần tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, đặc biệt là những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri, đại biểu quan tâm; tăng cường tranh luận trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Linh hoạt và đa dạng hóa hình thức giám sát, đảm bảo quy trình giám sát theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Mở rộng thành phần, mời chuyên gia (nếu xét thấy cần thiết) tham gia các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND để tăng hiệu quả giám sát…

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202409/nang-cao-nang-luc-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-cua-hdnd-cac-cap-f3077a3/