Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới

(Tiếp theo kỳ trước)

* NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Trong bối cảnh hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với chính quyền các cấp. Qua đó, nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tiếp tục tạo bước chuyển căn bản về cán bộ, công chức nhà nước đi liền với đẩy mạnh cải cách hành chính và sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Một số giải pháp cơ bản

Cấp ủy các cấp cần xây dựng và kiện toàn cơ chế đảng viên tham dự một cách dân chủ, bảo đảm cho đảng viên có quyền và thực hiện quyền được biết tình hình, quyền tham dự, quyền lựa chọn và quyền giám sát trở thành 4 quyền cơ bản, trọng điểm của đảng viên. Những quyết sách quan trọng của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần được soạn thảo từ bộ phận tham mưu phải tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức có trí tuệ cao và cần được thảo luận kỹ từ đông đảo đảng viên của đảng bộ. Đồng thời, các ý kiến bất đồng phải được tôn trọng, bảo vệ và được phản ánh theo đúng quy định Điều lệ Đảng. Khuyến khích đảng viên nói thật, nói thẳng, tăng cường ý thức chủ thể và tinh thần trách nhiệm, ý thức về sứ mệnh của đảng viên trong xây dựng Đảng. Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát và nghiêm trị những hành vi áp đặt, trù dập của những đảng viên có chức, có quyền đối với những đảng viên nói thẳng, nói thật.

Để nâng cao tính khả thi của các quyết sách, giảm thiểu các sai lầm của quyết sách, cần “xây dựng quy chế truy cứu trách nhiệm đối với quyết sách sai lầm”; nghiên cứu thực hành nguyên tắc “sai quyết sách người đó chịu trách nhiệm”. Phải tiến hành truy cứu trừng phạt nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức mạo hiểm, quyết sách khoa học. Tập thể quyết sách có sai lầm nghiêm trọng thì vừa phải truy cứu trách nhiệm của người có trách nhiệm trực tiếp, cũng phải truy cứu trách nhiệm của người lãnh đạo.

Đảng bộ, các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở phải chấp hành tuyệt đối các chủ trương, nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền cùng cấp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Tăng cường tính gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý như một phương thức lãnh đạo của Đảng thì việc xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo tinh thông về chuyên môn, trong sáng về đạo đức là một yêu cầu quan trọng nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Muốn vậy, các đảng bộ theo phân cấp quản lý cần hoàn thiện các quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tăng cường các thiết chế để giám sát, kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ đối với những cá nhân có quyền lực trong Đảng và Nhà nước. Thực hiện triệt để và nghiêm túc các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII kết hợp với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách những cán bộ được quy hoạch, nhất là cấp chiến lược để tạo ra các thế hệ lãnh đạo có đủ uy tín và tín nhiệm trước nhân dân.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn; kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tế những năm qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở vẫn là khâu yếu, chưa được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ… Điều này đòi hỏi trong giai đoạn mới trước những nguy cơ và thách thức hiện nay, Đảng bộ, các tổ chức đảng phải cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng; thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng…

Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Để không ngừng đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; cảnh giác và khắc phục khuynh hướng Đảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay cũng như khuynh hướng các cơ quan nhà nước thụ động, né tránh trách nhiệm; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý phát triển kinh tế và xã hội… trong thời kỳ mới, đảng bộ các cấp, các tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian tới cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 23-11-2018 về thực hiện Kết luận số 18-KL/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 31-10-2018 về nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ, định hướng sinh hoạt chuyên đề của từng loại hình chi bộ; Quyết định số 1200-QĐ/TU ngày 1-11-2018 về ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; Kế hoạch số 210-KH/TU ngày 25-11-2019 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị…; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng quan điểm, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn phát triển từng lĩnh vực đời sống xã hội; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra mọi hoạt động diễn ra trong các lĩnh vực thông qua chính quyền các cấp.

Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc các cơ quan lãnh đạo của Đảng theo hướng làm việc thực sự dân chủ, kỷ cương, thiết thực, sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng; làm việc có chương trình, kế hoạch, có trọng điểm, nói đi đôi với làm; đổi mới cách ra nghị quyết; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hội nghị cấp ủy. Cấp ủy dành nhiều thời gian tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu...

Bên cạnh đó, tiếp tục gắn việc thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp… để phòng, chống 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, công vụ theo đúng quy định. Việc công khai, minh bạch không chỉ góp phần để những người “có chức quyền” hiểu rằng mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để vụ lợi, trục lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý, mà còn để người dân nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó chủ động thực hiện theo quy định pháp luật và đòi hỏi cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định đó... Đây là “chìa khóa” then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/146063/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-cua-dang-trong-tinh-hinh-moi