Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy

Có thể thấy rằng, hiện nay cháy nổ đang trở thành mối nguy lớn đối với an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi mà trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy gây không ít thiệt hại. Thực tế này đòi hỏi phải cấp thiết nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy.

Dư luận không khỏi bàng hoàng khi gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cả về tính mạng và tài sản của người dân, Nhà nước. Gần đây nhất, ngày 8/7/2023, xảy ra vụ cháy nhà dân kết hợp kinh doanh ở ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa (TP. Hà Nội) khiến 3 người tử vong; ngày 13/7, hai bà cháu tử vong trên tầng 2 do ngạt khí khi đám cháy bùng phát nghi do chiếc xe đạp điện đang sạc ở tầng 1 bị chập điện dẫn đến hỏa hoạn ở phường Trung Sơn, TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Tiếp đó ngày 15/7, tại phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), 1 nhà ở kết hợp kinh doanh bốc cháy khiến 2 người chết, 4 người bị thương. Từ sáng ngày 12/7 đến rạng sáng 13/7, tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) xảy ra vụ cháy rừng đặc dụng nghiêm trọng, ước tổng diện tích rừng đã bị cháy khoảng gần 20 ha…

Ở tỉnh Quảng Trị, trong mùa nắng nóng năm 2023 đã xảy ra một số vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh, cháy rừng ở các địa phương. Như vụ cháy xảy ra ngày 15/6 tại một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên đường Hùng Vương, TP. Đông Hà; ngày 14/7 xảy ra cháy tại một cơ sở sửa chữa điện cơ ở đường Lê Duẩn (TP. Đông Hà), để khống chế lửa không cháy lan ra các nhà liền kề, kịp thời dập tắt đám cháy, lực lượng chức năng đã huy động 9 xe cứu hỏa và xe chuyên dụng cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.

Trước đó, ngày 17/5, tại xã Linh Trường (huyện Gio Linh) đã xảy ra vụ cháy làm ảnh hưởng 18 ha rừng, tổng thiệt hại khoảng 250 triệu đồng; chiều cùng ngày, tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ), xảy ra cháy tại khu rừng trồng của một người dân, gây thiệt hại 3 ha rừng keo…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai khá đồng bộ công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cần thiết khi gặp sự cố cháy nổ cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức; thông tin, cảnh báo rộng rãi hậu quả của các vụ cháy nổ… nhưng nhiều vụ cháy nổ vẫn xảy ra, nhất là đối với nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực tế này là do không ít người dân, doanh nghiệp còn chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC; thiếu cảnh giác, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thậm chí cố ý vi phạm quy định về PCCC; cùng với đó là thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn. Những vụ việc đề cập ở trên là bài học đắt giá cảnh báo mọi người không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hoặc coi thường công tác PCCC.

Để kéo giảm số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trong Nhân dân các quy định pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ. Hướng dẫn các kiến thức, biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC, nhất là thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện, sắp xếp, bảo quản hàng hóa, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; những việc cần phải làm khi phát hiện cháy và kỹ năng sinh tồn, thoát nạn.

Phân tích chỉ ra các nguyên nhân gây cháy, nổ và cảnh báo hậu quả do cháy nổ gây ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều hộ gia đình sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, cần đặc biệt coi trọng kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ tại các hộ gia đình này; chỉ rõ những vi phạm và yêu cầu ký cam kết khắc phục vi phạm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự kiểm tra, thực hiện đầy đủ các điều kiện, quy định, các kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC; việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, chất dễ cháy nổ, thiết bị có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt và các biện pháp xử lý khi xảy ra cháy nổ tại hộ gia đình; các nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, các vụ cháy nổ điển hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tỉnh Quảng Trị hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng 285.878 ha, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh; độ che phủ rừng đạt 49,9%. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, đặc biệt là thời điểm nắng nóng, khô hạn như hiện nay, các cơ quan chức năng cần coi trọng kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp PCCC của các chủ rừng.

Trong đó, chú ý công tác rà soát, xác định vùng trọng điểm cháy rừng; xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy; tu sửa, làm mới các công trình PCCR ở các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; bố trí lực lượng canh gác tại các chòi canh, trạm gác cửa rừng. Có phương án chữa cháy rừng cụ thể đối với từng khu vực khi xảy ra cháy. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ rừng, chữa cháy rừng cho lực lượng bảo vệ rừng cơ sở. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, các chủ rừng chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ và Nhân dân về pháp luật bảo vệ rừng, các biện pháp kỹ thuật về PCCC rừng. Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Sớm có phương án khắc phục những khó khăn, hạn chế về nhân lực, phương tiện phục vụ công tác PCCC rừng.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/nang-cao-nang-luc-phong-chay-chua-chay/178494.htm